Xử lý nứt bê-tông trong thi công công trình chiến đấu

QĐND - Xây dựng công trình chiến đấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều đơn vị công binh trong toàn quân. Trong quá trình thi công các công trình bê-tông cốt thép, nứt bê-tông là hiện tượng rất phổ biến, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Nhằm giúp các đơn vị xử lý hiệu quả, kịp thời sự cố nứt bê-tông, thời gian qua, các cán bộ thuộc Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh đã nghiên cứu, áp dụng nhiều kinh nghiệm, biện pháp xử lý vết nứt bê-tông mang lại hiệu quả tích cực.

QĐND - Xây dựng công trình chiến đấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều đơn vị công binh trong toàn quân. Trong quá trình thi công các công trình bê-tông cốt thép, nứt bê-tông là hiện tượng rất phổ biến, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Nhằm giúp các đơn vị xử lý hiệu quả, kịp thời sự cố nứt bê-tông, thời gian qua, các cán bộ thuộc Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh đã nghiên cứu, áp dụng nhiều kinh nghiệm, biện pháp xử lý vết nứt bê-tông mang lại hiệu quả tích cực.

Trên thực tế, bê-tông bị nứt chủ yếu do những nguyên nhân như sau: Do chất lượng của vật liệu không đạt yêu cầu (tính ổn định của xi măng không đạt; kích thước đá không đúng yêu cầu; lượng tạp chất trong cát và đá quá lớn...); do sai sót trong thiết kế kết cấu; do sự biến dạng của nền; do công nghệ thi công và chất lượng thi công kém (cấp phối không đúng quy định; ván khuôn biến dạng; phương pháp đổ bê-tông không tốt; bảo dưỡng kém)…

Ứng với mỗi loại vết nứt bê-tông có phương pháp xử lý phù hợp. Một số phương pháp xử lý chủ yếu đã được ứng dụng đạt kết quả tốt như sau:

Phương pháp sơn dung dịch ê-pô-xy: Đây là phương pháp xử lý bề mặt. Sau khi bê-tông đông cứng, bề mặt xuất hiện nhiều vết nứt có chiều rộng nhỏ, chiều sâu không lớn. Khi đó có thể áp dụng phương pháp sơn dung dịch ê-pô-xy để xử lý bề mặt của kết cấu. Để tiến hành, cần làm sạch bề mặt cần xử lý, sau đó dùng a-xê-tôn hoặc cồn chà sạch, đợi khô thì dùng bàn chải quét dung dịch ê-pô-xy (chiều dày lớp quét đạt khoảng 1mm). Kinh nghiệm cho thấy, chiều sâu thâm nhập của dung dịch theo phương pháp này có thể tới 16-84mm. Phương pháp này có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả không khí và nước thâm nhập vào bê-tông từ vết nứt.

Bộ đội công binh thi công công trình.

Phương pháp chèn lấp: Thực chất là việc sửa chữa cục bộ cấu kiện. Theo đó, phải mở rộng vết nứt (đục vết nứt thành rãnh chữ V hay hình thang) sau đó trát phẳng bằng vữa ê-pô-xy, bi-tum hoặc PVC để bịt kín vết nứt. Rãnh hình chữ V phù hợp khi sửa chữa các vết nứt thông thường; rãnh hình thang phù hợp với các vết nứt thấm nước. Sử dụng vữa ê-pô-xy khi sửa chữa kết cấu có yêu cầu về cường độ; PVC hoặc bi-tum phù hợp khi sửa chữa vết nứt có yêu cầu chống thấm.

Phương pháp đục bỏ một phần, đổ bê-tông lại: Thực chất là việc sửa chữa cục bộ, thường được áp dụng đối với các loại cấu kiện đúc sẵn, do quá trình vận chuyển, xếp đống, lắp đặt không tốt để xảy ra sự cố tạo thành vết nứt. Vết nứt loại này xử lý bằng cách: Đục bỏ phần bê-tông ở gần vết nứt, rửa sạch và đổ bê-tông có cường độ cao hơn một cấp tại vị trí đục sau đó tiến hành bảo dưỡng đến cường độ quy định. Theo phương pháp này, cấu kiện sau khi sửa chữa vẫn có thể sử dụng trên công trình.

Phương pháp phun vữa hóa chất: Phun vữa hóa chất là biện pháp dùng thiết bị chuyển có áp lực để đưa dung dịch vữa pha chế hóa chất nhồi vào vết nứt của cấu kiện bê-tông, để chúng khuếch tán và đông cứng. Dung dịch vữa hóa chất sau khi đông cứng có cường độ dính kết tương đối cao, có thể dính kết tốt với bê-tông, từ đó tăng cường tính toàn khối của kết cấu. Vật liệu phun vữa hóa chất chủ yếu gồm các loại: Ê-pô-xy rê-sin; vữa xi măng cát trương nở... Ê-pô-xy rê-sin thi công tương đối thuận lợi, cường độ chịu nén, chịu kéo và độ dính kết cao (cường độ chịu kéo và độ dính kết lớn hơn nhiều so với cường độ tương ứng của bê-tông). Đối với các vết nứt nhỏ và sâu, có thể sử dụng ê-pô-xy rê-sin có độ dính thấp để nhồi tăng cường (với các vết nứt có chiều rộng 0,3-1mm nên dùng dung dịch vữa ê-pô-xy rê-sin có độ co ngót nhỏ để nhồi gia cường); nếu chiều rộng của vết nứt lớn thì có thể dùng vữa xi măng cát trương nở...

Biện pháp giảm tải trọng kết cấu hoặc tháo dỡ cục bộ: Giảm tải trọng kết cấu là việc giảm nhẹ trọng lượng bản thân kết cấu như thay tường gạch bằng tường nhẹ; thay đổi kết cấu mái bê-tông cốt thép bằng các loại kết cấu có vật liệu nhẹ hơn; thay đổi công năng để giảm tải trọng sử dụng hoặc có các biện pháp để ngăn ngừa công trình không tích, giữ nước… khi đó có thể phòng ngừa và hạn chế sự phát triển của các vết nứt trong công trình. Ngoài ra, trong thi công hay trong quá trình sử dụng công trình, có thể phát hiện một phần cấu kiện bị nứt, nếu không đạt được tiêu chuẩn nghiệm thu, sử dụng thì có thể tiến hành tháo dỡ cục bộ một bộ phận của công trình để làm lại. Đây cũng là một biện pháp xử lý thực tế thường áp dụng trong quá trình xây dựng công trình.

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể, trong quá trình thi công, các đơn vị có thể áp dụng các phương pháp xử lý nứt bê-tông khác như: Phương pháp nén chặt trát phẳng; phương pháp ứng suất trước… để nâng cao chất lượng công trình chiến đấu.

Bài và ảnh: Nguyễn Như Trường

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/38/38/195325/Default.aspx