Xử lý nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm chạy xe lạng lách nguy hiểm

Hiện tượng thanh, thiếu niên, trẻ nhỏ phóng xe bạt mạng, đánh võng… diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn trong đó có Thủ đô Hà Nội, vấn đề này vừa gây cản trở giao thông, vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Vào mỗi khung giờ cao điểm, tình trạng học sinh ở Hà Nội vi phạm Luật Giao thông trở nên "nóng" hơn trên nhiều trục giao thông, nhất là các tuyến đường xung quanh trường học. Mặc dù các cơ quan chức năng và trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh và phổ biến đến phụ huynh các quy định về an toàn giao thông, nhưng thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp phụ huynh chở con đi học cũng "quên" không nhắc nhở các em tuân thủ luật giao thông

Chị Lê Huyền Anh (ở Ba La, quận Hà Đông) cho biết, trên đường đi làm hằng ngày, qua nút giao Ba La không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu còn mặc áo học sinh ngồi trên xe máy điện cho đến các dòng xe trên 50cc như Wave, Air Blade hay Liberty, SH125... không đội mũ bảo hiểm đi trên đường. Tình trạng điều khiển xe gắn máy trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở ba, chở bốn phóng nhanh trên đường khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, Đội Cảnh sát giao thông số 10 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với những học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe phân khối lớn tham gia giao thông.

Ghi nhận ngày 20/10, tại khu vực đường Ba La, Quốc lộ 21B (quận Hà Đông), chỉ chưa đầy 30 phút, lực lượng Cảnh sát giao thông đã liên tiếp dừng nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên một số trường THPT, Đại học xung quanh khu vực này với lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, và rất nhiều hành vi không đẹp khi tham gia giao thông của các em học sinh, sinh viên.

Vô vàn các lí do được những là học sinh, sinh viên này đưa ra như: Vội đến trường, sợ muộn giờ học, chủ quan, quên mũ bảo hiểm... Điểm chung của những trường hợp này đều "quên" mang giấy tờ xe, bằng lái xe; thậm chí, chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3... tất cả đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

Đội Cảnh sát giao thông số 10 cho biết, tổ công tác đã lập biên bản và xử phạt nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm chủ yếu các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng... Đáng nói, một số học sinh sử dụng lại các xe gắn máy cũ tự độ chế lại, thay đổi màu sơn, kết cấu để tham gia giao thông đến trường, chạy với tốc độ cao, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn khi có những học sinh vi phạm liều lĩnh bỏ chạy. Hành vi này của các em rất dễ gây ra tai nạn giao thông và gây nguy hiểm cho những người khác. Đối với các trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt, Cảnh sát giao thông còn tuyên truyền nhắc nhở để các học sinh, phụ huynh nhận thức được hành vi vi phạm.

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 10, trên địa bàn quận Hà Đông tập trung nhiều trường phổ thông, Cao đẳng và Đại học nên bên cạnh việc xử lý các vi phạm trên đường, đơn vị chủ động phối hợp nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ vào tiết học ngoại khóa đầu tuần. Bổ sung kiến thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông cũng như tăng cường xử lý các lỗi vi phạm ở thanh, thiếu niên là những giải pháp vô cùng cấp thiết. Thế nhưng sự sát sao, quan tâm từ phía gia đình mới chính là cách bảo vệ tốt nhất dành cho các em.

Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn, ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Gia đình đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xu-ly-nhieu-hoc-sinh-khong-doi-mu-bao-hiem-chay-xe-lang-lach-nguy-hiem-161778.html