Xử lý nghiêm hành vi phát, phá rừng tự nhiên tại Sơn Động

Thời gian gần đây, tại xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) xảy ra nhiều vụ phát, phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, ảnh hưởng tới môi sinh và gây bức xúc trong nhân dân.

Một gốc cây lớn mới bị đốn hạ tại khu Giộc Cả, xã Thanh Luận.

Một gốc cây lớn mới bị đốn hạ tại khu Giộc Cả, xã Thanh Luận.

Người dân thôn Náng, xã Thanh Luận thông tin, một số hộ dân trong thôn phát, phá rừng tự nhiên diễn ra âm thầm từ nhiều năm nay ( chủ yếu là rừng giao cho các hộ quản lý, bảo vệ). Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021, việc phát, phá rừng tăng mạnh.

Nguyên nhân là do lợi dụng thời điểm vắng người do thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, các hộ này tranh thủ vào rừng đốn cây, phát luỗng, chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế. Hệ quả làm nhiều khe nước tại thôn Náng dần cạn kiệt, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Cây rừng đổ ngổn ngang.

Cây rừng đổ ngổn ngang.

Theo chỉ dẫn của người dân, sáng 13/7, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng Giộc Cả sau gần một giờ leo tắt qua các khu rừng tre, nứa và keo để tránh sự cản trở của các hộ phá rừng. Tại khu vực này có hàng nghìn gốc tre nứa nằm đổ gục. Nhiều cây gỗ đường kính từ 15 đến 30 cm mới bị đốn không lâu. Hàng trăm gốc, cành cây gỗ cháy nham nhở còn lại hiện trường, diện tích lên tới cả nghìn m2. Cạnh những gốc cây cháy nham nhở là những cây keo non mới được trồng khoảng 1 tuần.

Theo người dân địa phương, diện tích rừng bị phát, phá do gia đình ông Nguyễn Văn Khê (trú tại thôn Náng) quản lý, bảo vệ. “Chính vợ con ông Khê đã thực hiện phát, phá các diện tích rừng tự nhiên này”, một người dân khẳng định.

Một vạt rừng mới bị phá được cho là của gia đình ông Khê.

Một vạt rừng mới bị phá được cho là của gia đình ông Khê.

Cách khu Giộc Cả không xa, khu vực rừng tự nhiên Khe Đắn (do thị trấn Tây Yên Tử quản lý) cũng đang chịu số phận tương tự với rất nhiều diện tích bị phát, phá, cây cối đổ ngổn ngang. Được biết, diện tích rừng bị phá này đã giao cho hộ ông Hoàng Hồng Ngạch, trú tại Tổ dân phố Néo, thị trấn Tây Yên Tử quản lý, bảo vệ.

Đáng chú ý, trong khi người dân cho rằng diện tích rừng do ông Khê quản lý, bảo vệ thuộc địa phận xã Thanh Luận thì Kiểm lâm địa bàn xã Long Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm Sơn Động) và Chủ tịch UBND xã Thanh Luận Vũ Bá Mừng lại cho rằng khu vực rừng này thuộc thị trấn Tây Yên Tử quản lý. Ông Mừng khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, xã Thanh Luận không có diện tích rừng tự nhiên nào bị phát, phá. Chỉ cần người có ý định phá rừng mài dao là chúng tôi đã có tin báo rồi(?)”.

Tre, luỗng bị chặt không thương tiếc.

Tre, luỗng bị chặt không thương tiếc.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử Phạm Văn Hảo lại quả quyết diện tích rừng hộ ông Khê vừa phát, phá thuộc xã Thanh Luận quản lý. Điều này chứng tỏ đại diện chính quyền hai địa phương chưa sát sao, không nắm rõ diễn biến rừng trên địa bàn mình phụ trách, quản lý.

Trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Tuấn Đạo Đào Xuân Tới cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt hành chính 5 vụ phát, phá rừng tự nhiên trái phép. Diện tích rừng này đều được giao cho các hộ quản lý, bảo vệ trước đó. Mục đích phá rừng là để lấy đất trồng keo. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối và thời điểm thu hoạch keo để phát luỗng rừng tự nhiên, sau đó đốt, xóa dấu vết và chiếm đất.

Những cây keo non mới trồng ngay cạnh hàng nghìn gốc tre, luồng trong rừng tự nhiên mới bị đốt phá.

Những cây keo non mới trồng ngay cạnh hàng nghìn gốc tre, luồng trong rừng tự nhiên mới bị đốt phá.

Giộc Cả và Khe Đắn là khu vực rừng giáp ranh nên nhiều năm qua đã xảy ra hiện tượng phát, phá, lấn chiếm đất rừng. Hiện khu vực này được huyện Sơn Động quy hoạch thành khu xử lý rác thải của địa phương nên việc phát, phá rừng có nguy cơ trở thành điểm nóng. Do đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần sớm có biện pháp điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin, ảnh: Bảo Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/364151/xu-ly-nghiem-hanh-vi-phat-pha-rung-tu-nhien-tai-son-dong.html