Xu hướng phát triển kinh tế thế giới và Việt Nam

(Tamnhin.net) - Thế giới và Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối diện với nhiều vấn đề lớn, phức tạp, kéo dài và liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cả cấp vĩ mô và vi mô; Bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây càng tạo thêm sức ép bộc lộ và cơ hội giải quyết nhiều vấn đề này.

1. Bối cảnh và xu hướng kinh tế thế giới Nền kinh tế thế giới trong những năm cuối thế kỷ 20 và các thập niên đầu thế kỷ 21 đã, đang và sẽ có những xu hướng phát triển đặc trưng chủ yếu sau: 1.1. Tự do hóa và đa cực hóa. Thập kỷ 90 này được đánh dấu bằng sự kết thúc chiến tranh lạnh và khởi đầu cho làn sóng đổi mới tư duy toàn cầu với sự thắng thế của xu hướng tăng cường hòa bình, đối thoại và hợp tác vì sự phát triển kinh tế giữa các nước. Đồng thời, thế giới hiện nay đang dấy lên trào lưu mới đề cao tự do hóa trong các lĩnh vực kinh tế, và từ đó lan sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Những nét nổi bật của trào lưu tự do hóa kinh tế là: 1. Chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới và hoàn thiện hơn nữa trong mỗi nước cơ chế kinh tế thị trường mở làm nền tảng cho mọi hoạt động và giao lưu kinh tế cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô, trong phạm vi công ty, quốc gia, khu vực và quốc tế. Nếu trước thập kỷ 90 này chỉ có 1/6 số nước trên thế giới chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, thì nay, nó được tôn vinh và được coi là tài sản chung của nhân loại, là định hướng của các nền kinh tế chuyển đổi và các nền kinh tế đang phát triển khác trên toàn cầu. Trong các nước đã xây dựng nền kinh tế thị trường từ lâu, cũng đang có những khởi động mới, nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành của các nguyên tắc và thiết chế thị trường mở. 2. Làn sóng tư nhân hóa và cổ phần hóa đang lan rộng toàn cầu, bao quát không chỉ các nước chuyển đổi, các nước đang phát triển châu Á đang bị khủng hoảng tài chính - tiền tệ, mà còn cả ở các nước phát triển (ở nước Nga tỷ trọng kinh tế thuộc sở hữu nhà nước đã giảm từ 90% xuống còn 49%). Các lĩnh vực kinh doanh độc quyền đang được thu hẹp, bao gồm cả độc quyền nhà nước với tư nhân, cũng như độc quyền của tư bản trong nước với tư nhân nước ngoài. 3. Vai trò kinh tế của nhà nước được chuyển dịch theo hướng giảm can thiệp hành chính, trực tiếp, để chuyển sang phương thức can thiệp gián tiếp, có tính định hướng và ít điều chỉnh hơn. Vai trò đầu tư của nhà nước ngày càng giảm xuống hoặc được định hướng hỗ trợ phát triển tư nhân. 4. Các dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư quốc tế ngày càng được tự do hóa cả trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Hiện tại có khoảng 50% tổng sản lượng thế giới được thực hiện trong trao đổi quốc tế so với 30% của năm 1980. Tuy nhiên, vẫn tồn tại trong các khoảng thời gian và mức độ nhất định những giới hạn của sự tự do hóa mậu dịch và đầu tư thông qua các hình thức bảo hộ thuế quan. Phải từ năm 2020 - 2030 thì mức mở cửa, tự do hóa của các nước mới thực sự trở nên phổ biến và “hết cỡ”. Trên cơ sở tự do hóa, xu hướng đa cực hóa cũng đang trở thành tuyên ngôn của trật tự mới về kinh tế quốc tế và quốc gia được biểu hiện qua các khía cạnh: Thứ nhất: Đa cực hóa về trung tâm tăng trưởng quốc tế và đa dạng hóa các đồng tiền cực mạnh của thế giới. Thay vì thế giới xoay quanh hai cực với hai siêu cường là Mỹ và Liên Xô trước kia, đang xuất hiện các trung tâm, các cực tăng trưởng mới mà về triển vọng trung hạn có thể cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ: EU, Nhật, Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao và có thể sẽ cả Đài Loan). còn Liên bang Nga với SNG, hay ấn Độ cũng như Brazin... cũng sẽ vươn mình lên những tầm cao sứ mạng mới trong tương lai không quá xa. Thời đại đồng USD là chúa tể duy nhất trên thị trường tiền tệ thế giới đang suy tàn cùng với sự xuất hiện đồng EURO và ý tưởng quốc tế hóa cao hơn đồng Yên Nhật. Thứ hai: Đa dạng hóa các mô hình phát triển, đa phương hóa việc quản lý và giải quyết các vấn đề của mỗi quốc gia cũng như quốc tế. Mặc dầu cơ chế kế hoạch hóa tập trung bị thực tế bác bỏ, và cơ chế thị trường mở ngày càng chiếm ưu thế, song trên toàn thế giới đang và sẽ còn chứng kiến sự nở rộ của các mô hình phát triển kinh tế khác nhau: mô hình Mỹ, mô hình Thụy Điển, mô hình Hà Lan, mô hình Nhật và một số nước Đông Nam Á, mô hình Nam Á, mô hình Niu Di Lân và gần đây đang xuất hiện mô hình Trung Quốc, không có mô hình nào hoàn hảo và thích hợp đối với mọi quốc gia. Vấn đề then chốt cho một nền kinh tế thành công là mô hình được lựa chọn phải phù hợp cả với bối cảnh quốc tế, lẫn các điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, đồng thời các nhà lãnh đạo và quản lý của nước đó phải làm cho nó phù hợp nhất với lý thuyết mà họ ưa thích. Thế giới cũng đang đặt ra nhu cầu và tạo điều kiện thực hiện đa phương hóa việc quản lý và giải quyết các vẫn đề đặt ra trong quá trình phát triển của một quốc gia, của mỗi khu vực và toàn cầu (nhất là các vấn đề tài chính, tiền tệ, công nghệ, môi sinh, phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm...). Đã chấm dứt thời mà mỗi nước đóng cửa để tự giải quyết những vấn đề phát triển của mình, dù đó là vấn đề nhỏ nhất và nước đó là mạnh nhất thế giới. Thứ ba: Đa cực hóa các trung tâm tăng trưởng quốc gia. Bên cạnh việc mở rộng các trung tâm hiện có, ngày càng xuất hiện các trung tâm mới đầy năng động trong mỗi nước; hơn nữa, chúng có xu hướng chuyển dịch về các vùng biên giới để hình thành những khu vực “tam giác”, “tứ giác phát triển”, khai thác được cùng lúc các lợi thế so sánh và thị trường của nhiều nước láng giềng cùng chung biên giới, hoặc không. Những khu vực này xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Thứ tư: Đa dạng hóa phạm vi sản xuất - kinh doanh, các mặt hàng, ngành, nghề chủ lực, nhất là các ngành và mặt hàng hướng xuất khẩu. Đa dạng hóa các bạn hàng và thị trường của mỗi doanh nghiệp, quốc gia, khối kinh tế. Thứ năm: Đa dạng hóa thành phần kinh tế, cũng như phối kết hợp ngày càng linh hoạt và đa sắc hơn các chính sách kinh tế trong cùng một thời điểm và khu vực địa lý kinh tế. Ranh giới sự phân biệt ngày càng được xóa nhòa hoặc “mềm hóa”, kể cả không được phép áp dụng cứng nhắc, kéo dài hay đối lập nhau giữa các dự án đầu tư nhà nước - tư nhân, giữa các chính sách hướng nội với hướng ngoại, giữa các chính sách thắt chặt - nới lỏng, giữa sản xuất với buôn bán - tiêu dùng và ngay cả giữa kế hoạch với thị trường. 1.2. Khu vực hóa và toàn cầu hóa Xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa đang và sẽ ngày càng trở nên rõ nét, bao quát và chi phối toàn diện các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế, với các biểu hiện và yêu cầu: 1. Tăng cường sự đan xen và phối hợp chính sách giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực, cũng như toàn cầu. 2. Gia tăng khối lượng trao đổi quốc tế trước hết trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động. 3. Gia tăng các yêu cầu và hoàn thiện các định chế quốc tế mang tính chất khu vực và toàn cầu quản lý các quá trình phối hợp và trao đổi đó. Gia tăng sức mạnh và khả năng giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu. 4. Có sự đồng nhất ngày càng cao giữa các yêu cầu hội nhập tiểu khu, khu vực, với hội nhập toàn cầu. Xu thế các tổ chức khu vực hóa mở kiểu APEC sẽ tăng lên; Bên cạnh đó cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn các loại Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, khu vực và xuyên khu vực. Đồng thời sẽ ngày càng đậm nét hơn xu hướng hội tụ cả về mô thức tổ chức các khối kinh tế khu vực, cũng như về các yêu cầu chỉ tiêu phát triển kinh tế - tài chính - tiền tệ chủ yếu của các nước thành viên mà EMU (Liên minh kinh tế - tiền tệ châu Âu) là điển hình nhất. EU đang ngày càng trở thành khuôn mẫu hướng tới của hầu như tất cả trên 20 tổ chức hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất trên toàn cầu - nói cách khác “mọi con đường của các tổ chức khu vực đều dẫn tới EU”. Trong bản thân EU đang đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng đồng bộ và rất ngặt nghèo để các nước thành viên có thể tham dự EMU, nhất là các tiêu chuẩn về mức nợ, mức lãi suất, mức thâm hụt ngân sách, mức lạm phát và sẽ là mức thuế... Tất cả đang tạo điều kiện hội tụ và “đồng nhất hóa” hơn giữa các môi trường kinh tế trong nước, trong khu vực và trong phạm vi toàn cầu. Có thể nói, bất chấp những biến đổi thăng trầm trong các nền kinh tế và khu vực cụ thể, bất chấp những “xung khắc” tạm thời và ngày càng mỏng manh giữa xu hướng khu vực hóa với xu hướng toàn cầu hóa, những nỗ lực và thành quả thúc đẩy xu hướng hướng tới một sự hội nhập ngày càng đầy đủ hơn và rộng lớn hơn vẫn đang và sẽ được tiếp tục không hề suy giảm. Khu vực hóa ngày càng biến thành “phòng chờ” để các nước tham dự vào toàn cầu hóa. Xu hướng này đang bao quát hầu hết các nước trên thế giới, mà trước hết là các nước lớn, các nền kinh tế quan trọng. Cả hai hệ thống tài chính và thương mại đang liên tục mở rộng, và nhân loại đang thực sự bước vào kỷ nguyên của các thị trường toàn cầu được kiểm soát tập thể. (còn tiếp) TS.Nguyễn Minh Phong Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/doanhnghiep/12663/-xu-huong-phat-trien-kinh-te-the-gioi-va-viet-nam.html