Xu hướng 'không làm gì'

Tìm đến những quán cà phê cho phép ngồi yên lặng một chỗ, không bị quấy rầy là cách nhiều người dân xứ củ sâm giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống.

Nằm khuất trong một con phố nhỏ, Seoul Forest là quán trà chỉ có 10 chỗ ngồi. Ở đây, khách không được nói chuyện, không được phép mang giày, điện thoại phải ở chế độ im lặng.

Các quy tắc này chỉ nhằm một mục đích: giúp mọi người thư giãn, có thể ngồi thẩn thơ, nhìn vào mông lung tùy ý.

Khi Hàn Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn sống chung với đại dịch, một số người hòa nhập trở lại xã hội bằng cách đến những không gian công cộng, nơi cho phép họ ngồi một mình và gần như chẳng làm gì cả như vậy, theo Washington Post.

Xu hướng "không làm gì"

Ở xứ củ sâm, không có gì là mới khi nhiều người trưởng thành tuyệt vọng tìm kiếm cho mình một nơi ẩn náu, tránh khỏi những áp lực cuộc sống như căng thẳng dịch bệnh, giá bất động sản tăng vọt hay lịch trình làm việc mệt mỏi.

Tại cuộc thi "ngồi không" - không làm gì, duy trì khuôn mặt vô cảm, nhịp tim ổn định trong 90 phút - của International Space-Out năm nay, nhiều người chơi đã tập trung tại một khu rừng phía nam đảo Jeju. Bắt đầu từ năm 2014, cuộc thi ngày càng được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới như Hong Kong hay Hà Lan.

 Khách hàng có thể ngồi yên một mình trong không gian yên tĩnh ở các quán trà như Seoul Forest. Ảnh: Michelle Ye Hee Lee/The Washington Post.

Khách hàng có thể ngồi yên một mình trong không gian yên tĩnh ở các quán trà như Seoul Forest. Ảnh: Michelle Ye Hee Lee/The Washington Post.

Hay như trong tháng này, nhiều rạp chiếu phim tại Hàn Quốc công chiếu bộ phim "Flight" dài 40 phút, ghi lại hành trình một chiếc máy bay cất cánh với thông điệp: "Hãy nghỉ ngơi một lát cùng những đám mây bồng bềnh".

Đây cũng là phần tiếp theo của bộ phim "Fire Mung" dài 31 phút được phát hành vào mùa xuân, ghi lại hình ảnh đống lửa trại đang cháy.

Theo các nhà nghiên cứu, những không gian và trải nghiệm như vậy đã khai thác cảm giác mắc kẹt, cô đơn ngày càng tăng trong năm thứ 2 của đại dịch Covid-19.

Yoon Duk-hwan, nhà nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, nhận định việc trốn đi để thư giãn sẽ trở thành một xu hướng mới khi mọi người còn vật lộn với dịch bệnh.

“Thật khó để đối phó với cảm giác bị mắc kẹt và cô đơn cùng một lúc. Mọi người muốn tìm đến nơi nào đó có thể ở một mình ngoài nhà riêng. Cho đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục".

 Ngoài dành thời gian tĩnh lặng, uống trà, khách có thể vẽ tranh, đọc sách, làm thơ hay ngồi thiền. Ảnh: Michelle Ye Hee Lee/The Washington Post.

Ngoài dành thời gian tĩnh lặng, uống trà, khách có thể vẽ tranh, đọc sách, làm thơ hay ngồi thiền. Ảnh: Michelle Ye Hee Lee/The Washington Post.

Quán cà phê Green Lab, gần Seoul Forest, từng được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông địa phương và cũng thu hút một lượng khách ổn định trong suốt đại dịch nhờ cung cấp không gian "chữa lành" dạng này. Sau khi uống trà, khách có thể đọc, làm thơ, ngồi thiền hay đơn giản là ngắm nhìn những tán cây.

"Thật khó để tìm được một không gian chấp nhận việc 'không làm gì cả' ở xã hội Hàn Quốc. Mọi người dường như đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, dù tôi nghĩ sẽ mất thêm một thời gian nữa để nó trở nên phổ biến rộng rãi. Khi cuộc sống hàng ngày thay đổi trong đại dịch, mọi người trở nên quen thuộc hơn với khái niệm này", Bae Hyun, nhân viên tại Green Lab, nói.

Dành thời gian cho bản thân

Vào một buổi chiều ngày trong tuần gần đây, Jung Jae-hwan (38 tuổi) đưa một nhóm đồng nghiệp đến Green Lab. Là người đứng đầu một thương hiệu chăm sóc da, Jung từng tìm nhiều cách để có được sự bình yên khi anh luôn phải hối hả trong giới kinh doanh cạnh tranh khốc liệt.

Từng thử Pilates và yoga, nhưng Jung muốn tìm một nơi mà anh thực sự không cần phải làm gì cả. Cuối cùng, anh đã đến Green Lab.

“Tôi muốn nhấn nút 'tạm dừng' và dành một chút thời gian cho bản thân, nhưng tôi liên tục cảm thấy mình phải làm điều gì đó.

Trong không gian này, quy tắc là tôi không được làm gì cả, giúp tạo ra khoảng trống trong não tôi. Tôi thậm chí còn đọc một cuốn sách, thưởng thức mùi hương từ máy khuếch tán tinh dầu, ngắm hoa, làm thơ. Tôi bắt đầu có những ý tưởng mới và cảm thấy rất sảng khoái".

 Nhiều quán cà phê "chữa lành" có phong cảnh, tầm nhìn đẹp, hướng tới thiên nhiên. Ảnh: @mung-hit.

Nhiều quán cà phê "chữa lành" có phong cảnh, tầm nhìn đẹp, hướng tới thiên nhiên. Ảnh: @mung-hit.

Một trong những đồng nghiệp của Jung, Ahn Areum (32 tuổi), cho biết cô đã nghe nói về cuộc thi "ngồi không" nhưng không biết có những nơi như Green Lab. Cũng từng tìm cách đối phó với lo lắng, căng thẳng hàng ngày do đại dịch, cô rất háo hức muốn đến đây.

“Tôi đã rất mệt mỏi, thậm chí không có thời gian để giải lao. Sau giờ làm việc, tôi về nhà, phải làm việc nhà và chỉ rảnh khoảng 30 phút đến một tiếng trước khi cần đi ngủ. Tôi dành thời gian đó dùng điện thoại. Vì vậy, với một không gian như thế này, tôi thực sự có thể tập trung vào việc nghỉ ngơi", Ahn cho biết.

Tại nhiều khu vực khác ở Hàn Quốc, những mô hình kinh doanh tương tự cũng đã xuất hiện.

Tại một quán cà phê tên là Goyose ở Jeju, khu vực lầu trên chỉ dành cho khách đã đặt trước muốn dành thời gian một mình. Quán cung cấp các loại văn phòng phẩm để khách có thể viết thư cho chính mình trong khi uống cà phê và ăn bánh. Trong khi đó, một quán cà phê khác ở Busan trình chiếu video về đống lửa trại.

 Có nhiều không gian cho những khách hàng muốn dành thời gian một mình, thư giãn. Ảnh: @mung-hit.

Có nhiều không gian cho những khách hàng muốn dành thời gian một mình, thư giãn. Ảnh: @mung-hit.

Trên đảo Ganghwa, một quán cà phê tên Mung Hit cũng bố trí khu vực "không hoạt động" cho khách hay chuẩn bị một chiếc gương đặt đối diện ghế ngồi dành cho những người có nhu cầu ngồi một chỗ và nhìn vào chính mình.

Ngoài ra, quán có một số góc khác để khách thiền định, đọc sách, ngồi bên ao nước nhỏ hay khu vườn, ngắm cảnh núi non. Trẻ em hay vật nuôi không được phép vào quán.

Ji Ok-jung, người quản lý, cho biết quán cà phê mở cửa vào tháng 4/2019 với mục tiêu cung cấp một không gian "tự chữa lành” và thu hút nhiều lượt khách từ khi đại dịch bùng phát.

"Đây là nơi mà mọi người có thể tự chữa lành cho mình. Đó là điều chỉ bạn có thể làm cho bản thân, không phải ai khác và chúng tôi muốn tạo điều kiện làm việc đó cho những ai đang kiệt sức trước những áp lực của cuộc sống hiện đại".

Ta Jung Kim (32 tuổi) biết đến quán qua Internet. Quán có những vị khách khác, nhưng cô vẫn tìm được chỗ đủ để ở một mình, hạn chế tiếp xúc với người khác và để đầu óc tỉnh táo.

“Khi tôi ngồi ở đó, tách biệt và thư giãn, ngắm cảnh, uống cà phê, tôi không cần phải chú ý đến điều gì. Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, mở lòng mình hơn. Những suy nghĩ bận rộn trong đầu biến mất, và tôi trở lại với một quan điểm tích cực hơn".

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-huong-khong-lam-gi-post1280051.html