Xót xa trước sự xuống cấp của làng văn hóa lớn nhất Việt Nam

Được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, nhưng sau 6 năm đi vào hoạt động, Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đang xuống cấp, khiến nhiều người không khỏi xót xa...

Nhà điều hành khu các làng dân tộc 1 bỏ hoang. Ảnh: P.B

Công trình văn hóa nghìn tỉ nhưng… vắng tanh

Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km được chính thức mở cửa từ ngày 10/10/2010. Đây là một trong những công trình được coi là đồ sộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng diện tích là 1.544 ha cùng nguồn vốn đầu tư lên tới 3.200 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là nơi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Tuy nhiên, sau 6 năm đi vào hoạt động, lượng khách rất ít và các hạng mục thì đang xuống cấp...

Theo quan sát của PV Báo GĐ&XH, cả khu vực rộng hơn 1.500 ha này khá hoang vu, các khu nhà ẩm thấp có dấu hiệu mục nát và các lối đi lại vắng bóng người. Không chỉ ngày thường, mà ngay cả những ngày cuối tuần, chỉ lác đác ít xe ô tô và người đến tham quan. “Tôi bán nước ở đây mấy năm rồi nhưng cả khu rộng mênh mông này, thấy toàn cây cối chứ có thấy mấy người đâu. Chỉ có mấy ngày lễ trong năm là đông vui thôi”, một người bán hàng nước trong Làng văn hóa cho biết.

Dạo quanh một vòng Làng văn hóa, cảnh tượng những ngôi nhà bằng tranh, tre, gỗ, nứa… của các dân tộc đã có biểu hiện mục nát, cỏ dại mọc um tùm khiến chúng tôi xót lòng. Theo quan sát, đa số những ngôi nhà sàn gần như rất ít khi có bóng người đến chăm sóc. Bước lên cầu thang và dạo xung quanh hành lang của một số ngôi nhà, nhiều thanh tre đã bị gãy, cảm giác chòng chành như cái bẫy.

Khi đặt chân đến ngôi nhà điều hành khu các làng văn hóa dân tộc 1 được xây dựng bằng bê tông, gạch ngói thì cảm giác càng vắng lạnh hơn. Xung quanh, dây điện được kéo tạm bợ, chằng chịt từ nhà ra sân, từ sân đến nhà vệ sinh, các lối đi... Qua các khe cửa bụi bám dày đặc, chúng tôi thấy bên trong đồ đạc, khung sắt vứt chỏng chơ. Phía trước khu Nhà điều hành làng văn hóa 1 này là ngôi nhà chứa máy bơm nước phòng cháy chữa cháy, khóa đã hoen rỉ, máy bơm “nằm ngủ” lâu ngày nên mạng nhện chăng đầy... Bên ngoài 2, 3 chiếc máy bơm được kéo cũng trong cảnh hoen rỉ, bỏ không.

Xót xa tiền tỷ ngân sách

Ông Lâm Văn Khang và bà Toán Thị Hương trong buổi làm việc với PV Báo GĐ&XH.

Xung quanh Làng văn hóa, các hộp phòng cháy chữa cháy, hộp điện… nằm ở ven đường đã bị cỏ dại mọc um tùm, che khuất. Nhìn cảnh tượng này, chị Nguyễn Thị Mùi, một khách du lịch từ Sài Gòn ra đây chua xót: “Ra ngoài này đi du lịch, qua tìm hiểu, tôi cũng muốn đến đây để xem nét văn hóa của đồng bào các dân tộc nhưng rất thất vọng. Mọi thứ đều sơ sài, nói thật là đau xót khi tài sản nghìn tỉ lâm vào cảnh thế này”.

Trong buổi làm việc với PV Báo GĐ&XH, bà Toán Thị Hương, Chánh văn phòng Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam cho biết, theo thiết kế ban đầu, Làng có 7 khu chức năng gồm khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí; khu các làng dân tộc Việt Nam; khu di sản văn hóa thế giới; khu dịch vụ du lịch tổng hợp; khu công viên bến thuyền; khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; khu quản lý điều hành văn phòng. Hiện các hạng mục công trình vẫn chưa hoàn thiện và việc một số hạng mục đã xuống cấp là có.

Bà Hương cho rằng, do đặc tính của vật liệu xây dựng các ngôi nhà dân tộc đều là các vật liệu truyền thống (tranh, tre, gỗ, nứa…) và phải chịu nắng mưa, cũng như thiếu “hơi người” nên xuống cấp là điều khó tránh khỏi. “Vì muốn tái hiện đúng với hiện trạng cho nên chúng tôi không thể thay thế bằng các vật liệu bê tông, sắt thép được”, bà Hương nói.

Nhiều hạng mục công trình không bóng người, cỏ dại mọc um tùm.

Còn theo ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban phụ trách Làng văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam thì mặc dù nguồn vốn đầu tư cho Làng lên tới 3.200 tỉ đồng, nhưng đến nay số tiền mới giải ngân khoảng 1/3. Ông Khang cho biết, do ngân sách chưa đủ nên nhiều hạng mục công trình chưa thể xây dựng được, còn việc đưa vào khai thác du lịch hiện nay chỉ mang tính chất cục bộ.

Trước việc Làng văn hóa xuống cấp trầm trọng, đã có một số gói thầu được triển khai nhằm duy tu, bảo dưỡng những công trình ở đây. Nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư đã đưa ra các tiêu chí không hợp lý. Sau khi báo chí lên tiếng (vào tháng 7/2016) về sự bất cập này, phía chủ đầu tư đã điều chỉnh các tiêu chí, vì vậy đã có thêm các doanh nghiệp khác đủ điều kiện tham gia dự thầu.

Phùng Bình

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xot-xa-truoc-su-xuong-cap-cua-lang-van-hoa-lon-nhat-viet-nam-20161005075643387.htm