Xót xa bạo lực học đường

Ngày 23/7/2022, tại thôn Gò Mu, xã Thanh Cao (Lương Sơn), cháu N.T.T (12 tuổi) bị 6 bạn nữ (từ 12 - 13 tuổi), cùng trú tại xã Thanh Cao đánh. Trong khi đánh bạn, nhóm này đã quay clip và đăng lên mạng xã hội (MXH) khiến nạn nhân càng thêm tổn thương, gia đình, xã hội bức xúc. Đây chỉ là một trong những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra trên địa bàn tỉnh đều là đánh hội đồng rồi quay clip đăng lên MXH.

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hòa Bình) quan tâm tổ chức tư vấn tâm lý học đường để kịp thời chia sẻ tâm tư, tháo gỡ vướng mắc cho học sinh.

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Hòa Bình) quan tâm tổ chức tư vấn tâm lý học đường để kịp thời chia sẻ tâm tư, tháo gỡ vướng mắc cho học sinh.

Liên tiếp những vụ bạo lực học đường

Qua tìm hiểu được biết, vụ việc trên xảy ra vào 15h ngày 23/7/2022. Sau khi bị đánh và quay clip đăng lên MXH, nạn nhân rất lo lắng, sợ hãi. Công an xã Thanh Cao đã tiến hành xác minh, lấy lời khai bị hại, làm rõ các đối tượng liên quan. Đồng thời giáo dục, răn đe các cháu để không có thêm hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó, năm 2021, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ BLHĐ, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần học sinh. Như ngày 22/5, tại tổ 1, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), do có bất hòa nên cháu N.A.D (SN 2008) bị các cháu: T.P.U (SN 2008) ở phường Thống Nhất và M.P.T (SN 2009) ở phường Trung Minh (TP Hòa Bình), đều là học sinh THCS đánh gây thương tích. Vụ việc chưa kịp lắng thì đến ngày 26/5, tại đường Đà Giang thuộc địa bàn tổ 15, phường Phương Lâm, cháu Đ.Đ.H (SN 2005), học sinh trường PTDTNT THPT tỉnh bị một nhóm 9 thanh niên (đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội) đánh trọng thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc do tối 25/5, nạn nhân có có mâu thuẫn, xô xát với một đối tượng trong nhóm nên ngày hôm sau, đối tượng gọi nhóm bạn từ Hà Nội lên để giải quyết mâu thuẫn với Đ.Đ.H.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ với 24 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chủ yếu là trộm cắp tài sản. Ngoài ra có hành vi "cố ý gây thương tích”, "sử dụng trái phép chất ma túy”. Mặc dù hành vi "cố ý gây thương tích” chỉ chiếm 3/10 vụ nhưng lại chiếm tới 16/24 đối tượng. Các đối tượng phạm tội chủ yếu trong độ tuổi từ 16 - 18 tuổi, hầu hết có trình độ học vấn thấp; nhiều đối tượng đã bỏ học; một số vi phạm từ 2 lần trở lên. Điều này cho thấy thực tế đáng lo ngại về vấn đề bạo lực trong lứa tuổi vị thành niên.

Thực tế các vụ BLHĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy hiện tượng không đơn giản là 2 học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà đa số là một nhóm học sinh đánh, đấm, giẫm đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo, nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng. Trong một số trường hợp có bạn bè đứng xung quanh nhưng không có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ. Đáng lưu ý, hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Khi xem những clip này nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng BLHĐ ngày một nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội.

Gia đình, nhà trường cùng chung tay ngăn chặn bạo lực học đường

Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh, đối tượng tham gia đánh nhau trên địa bàn tỉnh hầu hết là học sinh ở bậc THCS và THPT. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, không kiểm soát được hành vi. Ngoài ra, môi trường sống của các em tại gia đình cũng ảnh hưởng tới hành vi. Không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách chửi mắng, đánh đập thô bạo khi con mắc sai lầm, dần dần hình thành trong con tính hung hăng, bạo lực. Việc con tiếp xúc với phim ảnh, sách, báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực... cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ. Mặt khác, cũng cần phải nói đến nguyên nhân chính tại các nhà trường, do còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người, chưa thực sự chú trọng làm tốt vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay cổng trường nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên MXH xuất hiện clip mới xác minh, xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Vinh Quang, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) cho biết: Trước sự gia tăng các vụ BLHĐ, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh hoạt động của các nhà trường, cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của các em. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực. Ngoài ra, nhà trường cần chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức đấu tranh đẩy lùi BLHĐ. Ở môi trường trường học, nhà trường cần tạo thêm nhiều sân chơi, tạo cơ hội giao lưu lớp, khối, nhóm, giới tính… để các em được yêu thương và chia sẻ. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi, trẻ có thể khẳng định niềm đam mê, ưu điểm của bản thân. Trong việc hình thành nhân cách của con người, việc giáo dục của gia đình quan trọng hơn giáo dục của nhà trường. Giáo dục trong gia đình nếu làm tốt, xây dựng tốt văn hóa gia đình sẽ góp phần quan trọng giải quyết nạn BLHĐ.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/171166/xot-xa-bao-luc-hoc-duong.htm