Xót xa báo cáo bạo lực học đường hiệu trưởng gửi trong đêm

'Trước mọi vụ việc, nhà trường đều phải phản hồi cho ngành, ngay trong đêm khuya thầy hiệu trưởng nhà trường phải gửi báo cáo khiến chúng tôi rất xót xa' - ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giaos dục và Đào tạo TPHCM - chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế diễn ra chiều nay (2/11).

Tại họp báo, PV Tiền Phong đặt câu hỏi với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TPHCM về hướng giải quyết và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong thời gian qua.

Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết, hành vi của con trẻ không phải chỉ có trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội.

“Bạo lực học đường trong nhà trường gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục, khi có sự việc xảy ra, quan điểm của ngành là kiên quyết xử lý triệt để. Sở GD&ĐT TPHCM đã đưa tiêu chí trường học hạnh phúc vào toàn ngành để xây dựng trường học thân thiện, xây dựng hình ảnh trường học ngày càng đẹp hơn”, ông Minh nói.

Học sinh Trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh đánh bạn học cùng lớp (ảnh cắt từ clip).

Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, ngành giáo dục đang kiên quyết chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý thì phải thực hiện công tác giáo dục bởi học sinh ở độ tuổi học đường với sự tương tác từ mạng xã hội và xã hội hiện đại thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục phải đặt trách nhiệm xây dựng văn hóa học đường vào nhiệm vụ trọng tâm. Làm sao để học sinh hạnh phúc khi đến trường là tiêu chí quan trọng.

“Để xảy ra những chuyện này thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lãnh đạo đương nhiệm có liên quan đều phải xem xét. Sự việc diễn ra cần phải được xem xét kỹ, một status phản ánh tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhưng điều đó đúng hay chưa cần có thông tin mang tính đa chiều. Trước mọi vụ việc, nhà trường đều phải phản hồi cho ngành, ngay trong đêm khuya thầy hiệu trưởng nhà trường phải gửi báo cáo khiến chúng tôi rất xót xa”, ông Minh nói.

Như Tiền Phong đưa tin, thời gian qua tại TPHCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường bằng cả tác động vật lý lẫn tinh thần khiến dư luận băn khoăn về ứng xử văn hóa học đường, nhất là khi Ngày Hiến chương nhà giáo đang đến gần.

Cụ thể, ngày 30/10 xảy ra vụ việc một nam sinh lớp 9 của Trường THCS Đống Đa bị bạn học đánh trong lớp do nghi ngờ lấy cắp tiền của mình. Hành động đánh bạn được các học sinh quay lại và tung lên mạng xã hội gây xôn xao dự luận. Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh sau đó vào cuộc xác minh đồng thời yêu cầu Trường THCS Đống Đa lập hội đồng kỷ luật xử lý sai phạm của các em học sinh liên quan trong clip bạo lực học đường được phát tán trên mạng xã hội.

Cũng trong thời gian này, một nữ sinh tại Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12 lên mạng xã hội viết status tố nhà trường nhà trường xử ép, "xin không bao giờ cắp sách đến trường" sau khi nhà trường xử lý kỷ luật nữ sinh này và một nữ sinh khác vì có hành động xô xát với nhau.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ - thông tin em T. (người viết status - PV) đã vi phạm nội quy nhà trường nhiều lần. Trong thời gian bị tạm dừng việc học ở trường, các thầy cô giáo sẽ trực tiếp đến nhà để hỗ trợ T hoàn thành bài học và động viên, chia sẻ để em có định hướng tốt hơn. Còn em M (nữ sinh có xô xát với T) sẽ phải làm bản kiểm điểm và bị hạ một mức đánh giá rèn luyện trong học kỳ 1.

Giữa tháng 10, Hội đồng kỷ luật Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình đã họp và quyết định kỷ luật cảnh cáo cô giáo N.T.S. Quyết định trên căn cứ vào khoản 2, điều 17, Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nguyên do là cô N.T.S đã có tác động vật lý dẫn đến một học sinh lớp 1 do cô chủ nhiệm bị gãy ngón tay. Vụ việc được mẹ của học sinh lên mạng xã hội tố khiến dư luận xôn xao

Nguyễn Dũng- Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xot-xa-bao-cao-bao-luc-hoc-duong-hieu-truong-gui-trong-dem-post1583730.tpo