Xót lòng các dự án ngàn tỷ đắp chiếu

Ngày 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Những vấn đề nổi lên mà các đại biểu (ĐB) đề cập là cần chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, tái cơ cấu nền nông nghiệp hiệu quả; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị - nông thôn; giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Đặc biệt, phải quyết tâm tái cơ cấu kinh tế, tinh giản bộ máy thành công để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Nâng đạo đức cán bộ

Vấn đề tinh giản bộ máy hành chính, chú trọng đạo đức cán bộ, công chức tiếp tục được các ĐB tập trung đề cập. ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam) nêu: “Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, có những việc có thể giải quyết ngay trong 1 ngày nhưng lại kéo dài đến 1 tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng. Đây là những trở ngại lớn khiến nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước than phiền”.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, để triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 thì phải đột phá bằng được vào vấn đề “con người và thể chế - những điểm nghẽn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước. “Thử hỏi cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của công dân, doanh nghiệp và tổ chức để giải quyết đã nâng niu, trân trọng và coi đó là trách nhiệm của mình? Liệu có bao nhiêu phần trăm trong họ thường trực một tâm niệm phải tham mưu, xử lý thật nhanh, thật đúng để công dân kịp thời giải quyết công việc cá nhân và gia đình của họ, để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, ăn nên làm ra, giải quyết việc làm, nộp thuế cho Nhà nước. Thay vì vậy, nhiều công chức tìm cớ gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm cho nhiều doanh nghiệp, công dân sợ khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính. Đáng tiếc đó lại không phải là chuyện cá biệt ở các cấp, các ngành, các địa phương”, ĐB Ngọ Duy Hiểu hỏi đầy trăn trở.

Nêu vấn đề ở một khía cạnh khác, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị trong các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, một mặt đề cập nội dung vĩ mô dài hạn, mặt khác phải thông tin các vấn đề cụ thể, trong đó những vấn đề nóng bỏng từ thực tiễn, đơn cử như việc xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra. Ông cho rằng, nếu kịp thời cung cấp thông tin cho người dân trong các vụ việc lớn xảy ra thì sẽ không còn đất để cho những thông tin không chính thống tự tung tự tác.

Các dự án ngàn tỷ đắp chiếu: trách nhiệm của ai?

Một trong những nội dung nổi lên trong ngày thảo luận 3-11 là bức xúc của các ĐB đối với những công trình ngàn tỷ đắp chiếu, gây thất thoát tài sản nghiêm trọng của nhà nước và nhân dân, gây mất lòng tin xã hội. Trách nhiệm của ai?

Thực hiện cơ chế tranh luận, đăng đàn giải trình các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đi thẳng vào 5 đại dự án có quy mô 30.000 tỷ đồng đang trong tình trạng “tắc nghẽn”, hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ và thậm chí có nguy cơ phá sản. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, không chỉ có 5 dự án lớn mà Chính phủ báo cáo, một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng kém hiệu quả, gây ra nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội. Bộ trưởng cho biết, 5 dự án lớn đã nêu như: Bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol đều có thời gian triển khai kéo dài hơn so với được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi về thị trường và một số yếu tố khác, tuy có sự chỉ đạo tháo gỡ của các cấp cơ quan Nhà nước song vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Quốc hội.

Qua 5 dự án này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế, từ vai trò, trách nhiệm của các bộ chủ quản, các bộ quản lý về tài chính, về phê duyệt thủ tục đầu tư. Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý trong vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại DNNN”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị cần sớm lập danh mục những dự án đầu tư đắp chiếu, có nguy cơ thua lỗ mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu. “Phải rạch ròi số này ra, chỉ cần mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỷ đồng thì cộng lại cũng đã cho ra một con số hết sức lớn, chứ chưa nói đến các dự án lỗ ngàn tỷ trên. Trong khi đó, ở vùng sâu vùng xa, hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án nói trên”, ĐB Trương Trọng Nghĩa bức xúc. Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Phùng Văn Hùng bày tỏ sự băn khoăn sau phần giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông đặt câu hỏi: “Bộ Công thương đã tính toán phương án để xử lý số dự án đắp chiếu hay chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội, công luận biết”.

Phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Cuối giờ chiều 3-11, trước khi Quốc hội kết thúc 2 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã giải trình với Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở giảm dần tiến tới xóa bỏ cách tiếp cận hành chính thiếu hiệu quả, chuyển sang áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quyết định kinh tế; lấy khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Con số hơn 10,5 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu kinh tế giai đoạn này đang là câu hỏi lớn với các ĐBQH, với xã hội. Bộ trưởng nêu rõ, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7%. Đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của DNNN, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 31% - 34% trong giai đoạn 2016 - 2020, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45% - 48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, có nhiều rào cản, thách thức trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Kịch bản tái cơ cấu quyết liệt đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách; tăng đáng kể hiệu quả đầu tư công; cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách xuống còn 4% GDP; cổ phần hóa, giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp mà nhà nước không còn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; và sử dụng số vốn đó đầu tư đầu tư một số dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách... Mà những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Do đó, nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế.

LÂM NGUYÊN

Bí thư mượn xe doanh nghiệp: Không minh bạch

Dư luận gần đây xôn xao trước thông tin ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) thường xuyên sử dụng một chiếc ô tô biển xanh của một công ty cổ phần để đi lại và sử dụng như xe riêng. Chiếc xe này thường xuyên được ông Phi sử dụng đi lại và để luôn tại nhà riêng.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, tại các địa phương chỉ có 4 chức danh được xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Phi thừa nhận thường xuyên đi lại bằng chiếc xe biển xanh trên nhưng đó không phải là xe công của Thành ủy TP Thanh Hóa mà là xe mượn của Công ty Sông Mã. Công ty này trước đây là công ty nhà nước nên chiếc xe biển xanh 36B-2789 được công ty mua và đăng ký sử dụng, tuy nhiên, hiện công ty này đã cổ phần hóa.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 3-11 về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, hiện đang có tình trạng các phó bí thư, phó chủ tịch, giám đốc các sở… đều có xe và sử dụng xe đưa đón. Các chức danh này lợi dụng chuyện đón đưa đi họp để sử dụng thường xuyên. Về việc cụ thể của Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa mượn xe của Công ty Sông Mã, ông Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận đó là thực tế có thể diễn ra dưới dạng anh có mối quan hệ đặc biệt với doanh nghiệp hay có thỏa thuận ngầm để mượn xe đi lại. “Đây không phải là trường hợp hạn hữu. Từ trước đến nay có rất nhiều trường hợp chính quyền mượn xe của doanh nghiệp rồi cơ quan khác để đi. Điều này thể hiện doanh nghiệp phải bỏ khoản tiền lobby cho chính quyền, dẫn đến việc thiếu minh bạch trong xử lý công việc, thậm chí có chuyện lắt léo, tiêu cực khác”, ông Nguyễn Sỹ Cương nhận định.

LÂM NGUYÊN

Xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc Formosa: Người đã nghỉ hưu cũng sẽ có cấp ủy xem xét theo thẩm quyền

Liên quan đến câu hỏi của ĐBQH Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Bình về việc “ai nhận trách nhiệm quản lý nhà nước trong sự cố Formosa”, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 3-11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN-MT đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp kiểm tra, báo cáo, chờ cấp trên xem xét, kết luận. Việc đánh giá một tổ chức, một con người phải làm đúng quy trình, quy định và có sự cẩn trọng. Việc kiểm điểm cán bộ đang được triển khai; đối với người đã nghỉ hưu cũng sẽ có cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Về mối quan tâm của ĐBQH đến công tác bảo vệ môi trường của các dự án, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết sẽ rà soát lại danh mục các nhà đầu tư, ngành công nghiệp để lựa chọn những ngành có khả năng năng gây ô nhiễm cao để đưa vào danh mục, tập trung quản lý, kiểm soát riêng. Đặc biệt, phải nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam lên ngang bằng các nước và kèm theo đó sẽ huy động nguồn lực nước ngoài, đầu tư công nghệ hiện đại đáp ứng được vấn đề về môi trường, tiết kiệm năng lượng.

ANH PHƯƠNG

PHAN THẢO - ANH THƯ

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161104/xot-long-cac-du-an-ngan-ty-dap-chieu.aspx