Xòe bàn tay nhân ái

Giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp, gấp gáp mà thấy hình ảnh bà lão bán nước góc phố tãi thóc cho chim ăn hẳn thật lạ lẫm. Nhưng điều đó đã diễn ra thật trong suốt hơn mười năm qua và vẫn tiếp diễn. Mặc ông đi qua mặc bà đi lại.

Dù bất cứ mùa nào, bà lão lặng lẽ làm việc, vui với niềm vui của riêng mình trong lòng phố thị. Chỉ phớt qua thì đó là một nghĩa cử, thương những chú chim trời giữa phố mà vất vả lích chích tìm cái ăn. Nhưng không chỉ thế, phía sau đó với người nghĩ sâu xa là hình ảnh làm lan tỏa giá trị của lòng tốt. Bà gọi lũ chim là con, xưng mẹ giọng hiền từ, tha thiết như tán lá trên cao. Tình cảm ấy là sự kết nối bởi sợi dây tự nguyện, như sắc diệp lục tự nguyện dâng hiến màu xanh cho đời.

Phố xá sinh động hơn vì những cánh chim. Phố xá văn hóa bình yên hơn nhờ mỗi bàn tay chia sẻ, chở che. Bà lão bán hàng nước nhỏ nhoi thì đâu có nhiều tiền, vẫn cố gắng trích ra một phần tiền nhặt nhạnh được từ hàng nước để mua thóc tặng loài chim sẻ tinh nhanh và hiền dịu. Hình ảnh khiến mỗi ai hiểu đều xúc động vì chỉ cần làm những việc nhỏ thôi để giúp thành phố thêm đẹp cũng là điều đáng quý. Sự hy sinh đôi khi chỉ cần từ việc nhỏ bé, chẳng cần to tát.

Tôi là người thích dạo phố, thường ghé hàng nước của bà, vài lần thấy các bác hưu trí đẹp lão lắm, ngồi tâm sự và xin góp một ít tiền để bà hàng nước mua thóc nuôi những nàng “ca sĩ của thiên nhiên”. Hình ảnh chim chóc sà xuống góc phố nhặt thóc, lích chích lích chích thật thú vị. Cả chủ và khách đều cười mãn nguyện. Những ông khách cũng ném thóc cho chim và chúng tiếp tục vừa nhặt thóc vừa nhảy múa. Chú nào cũng đáng yêu. Tôi nhìn vào cánh tay của bà lão, nhăn nheo và khô nhưng là cánh tay nhân hậu, với bàn tay chia sẻ và bảo vệ. Mà ở đời thay vì bảo vệ, rất nhiều người đang tìm mọi cách để săn bắt các loài chim trời để thỏa mãn bản thân mình.

Ở thành phố có lần tôi bắt gặp những người bán chim trời với hàng trăm chú chim bị vặt trụi lông rất tội nghiệp, như những chú bé không được mặc quần. Chúng trơ trọi hít thở trong giờ phút cuối cùng để trở thành món mồi nhậu không hơn không kém. Người ta vì mục đích mưu sinh, lợi nhuận đã tìm mọi cách săn bắt cho bằng được để có những “mẻ chim” mang đi bán lấy tiền. Chúng chỉ là những con vật bé nhỏ làm đẹp cho làng quê, cho chính cuộc sống này, nào có tội tình gì.

Lòng tôi thường chùng xuống mỗi khi đi qua ngã tư giữa nội thành nhộn nhịp ấy, để thấy bà hàng nước nhân ái xòe tay ra với loài chim trời, trái tim thường rộn lên như hoan ca. Rồi lại bồng bềnh nhớ tới đêm gió bão hai năm trước, đang ngủ trong phòng nghe như tiếng ai đó gõ cửa. Tiếng gõ tiếng đập lẫn sự hòa âm của mưa khiến lòng khấp khểnh không yên, và có chút gì đó lo sợ. Đành vội vã mở cửa trong tâm trạng vừa lo lắng vừa bần thần. Một chú chim đã lao vào phòng, khi cánh cửa sổ được đẩy ra, thân mình run rẩy, ướt lướt thướt. Tôi đã để cửa đợi chờ những chú khác mà không thấy. Chú chim cu gáy bị thương, trốn bão đêm đó giờ vẫn sống cùng gia đình tôi như một thành viên thật sự, chỉ vết thương không lành được. Cha tôi thương chú chim, nhiều lần thầm thì nói về sự tàn phá thiên nhiên, khắp mọi nơi khiến các loài chim tớn tác, ngay cả phố phường nhộn nhịp không có nhiều nơi chốn trú ngụ mà chúng cũng phải tìm về nương nhờ.

Đôi khi chúng ta cần rất nhiều để cảm thấy hạnh phúc, cũng đôi khi thấy cần ít thôi để được bình yên. Trái đất lớn lao rộng lượng mà cũng bé nhỏ vô cùng. Một ngày nào đó mỗi người lo sợ thiên nhiên suy kiệt, cũng như suy kiệt lòng nhân ái, thì những chú chim mải mê nhặt thóc mà bà mẹ già bên phố vãi ra để nuôi nấng kia cho thấy cần lắm những nghĩa cử với thiên nhiên, với thành phố.

Ngô Hải Miên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/850897/xoe-ban-tay-nhan-ai