Xoài Ðắk Gằn hướng tới thị trường xuất khẩu

Vùng sản xuất xoài ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đang có bước chuyển mình trong sản xuất. Trong đó, nông dân đã áp dụng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Gia đình anh Đàm Văn Tiến, ở Bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn, có hơn 1 ha xoài. Trước đây, anh thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn xoài. Sau quá trình canh tác, anh nhận thấy, để sản phẩm cạnh tranh được với thị trường, cần phải thay đổi quy trình sản xuất.

Cuối năm 2020, anh Tiến tham gia vào HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn (HTX xoài Đắk Gằn). Từ đó, anh áp dụng quy trình sản xuất xoài theo quy trình VietGAP.

Anh Tiến chia sẻ: "Quy trình VietGAP giúp tôi bảo đảm sức khỏe. Sản phẩm làm ra cũng sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tôi rất tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường".

Còn gia đình chị Trần Thị Hà, ở thôn Xuân Thượng, xã Đắk Gằn, đã 5 năm sản xuất xoài. Vườn xoài 1,8 ha của chị đến nay đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo chị Hà, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm được chất lượng, giúp người dân yên tâm hơn về đầu ra. Điều này đã giúp bà con nông dân thay đổi cách thức sản xuất theo hướng an toàn, bên vững.

 Người dân Đắk Gằn sản xuất xoài theo quy trình VietGAP để nâng giá trị sản phẩm

Người dân Đắk Gằn sản xuất xoài theo quy trình VietGAP để nâng giá trị sản phẩm

Theo ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn, sản phẩm xoài Đắk Gằn đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Đây là cơ hội giúp tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, cùng với việc tạo vùng nguyên liệu đạt chuẩn, HTX đã xây dựng chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm xoài. Trừ những thời điểm dịch bệnh phức tạp, đầu ra sản phẩm xoài của bà con hầu hết đều ổn định, giá cả bảo đảm mức cao.

Theo ông Đỗ Viết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, vùng trồng xoài Đắk Gằn có quy mô hơn 300 ha. Phần lớn bà con đều sử dụng các giống xoài cao cấp, chất lượng cao.

Toàn bộ diện tích xoài của xã cũng được UBND tỉnh quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là vùng sản xuất xoài trọng điểm của tỉnh hướng đến thị trường xuất khẩu.

 Tem truy xuất nguồn gốc được dán trên từng sản phẩm xoài bán ra thị trường

Tem truy xuất nguồn gốc được dán trên từng sản phẩm xoài bán ra thị trường

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, trên địa bàn có khoảng 1.000 ha xoài, chủ yếu tập trung tại xã Đắk Gằn. Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất xoài bền vững đạt chứng nhận VietGAP ở xã Đắk Gằn.

Các hộ trồng xoài đã được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăm sóc xoài để tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang xây dựng mã số vùng trồng cho vùng trồng xoài Đắk Gằn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ông Cao Đức Nguyên, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil cho biết, người dân trồng xoài trên địa bàn xã đã tuân thủ quy trình sản xuất có chứng nhận an toàn.

Người trồng xoài cũng đang tập trung các biện pháp để nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, hướng tới các thị trường xuất khẩu. Xoài Đắk Gằn đã có mã QR, đạt chứng nhận VietGAP, OCOP và sắp tới sẽ có mã vùng trồng.

Chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng đang xúc tiến các bước để tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho xoài Đắk Gằn, nhất là Trung Quốc và khu vực châu Âu.

Đức Hùng

2,181

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/xoai-%C3%B0ak-gan-huong-toi-thi-truong-xuat-khau-94308.html