Xóa nghèo ở Đầm Hà

Đầm Hà là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 30%.

Một thời, Đầm Hà luôn thuộc diện huyện có nhiều hộ nghèo nhất tỉnh, tuy nhiên, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719), huyện Đầm Hà đầu tư hơn 53 tỷ đồng giúp người dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, huyện đã không còn hộ nghèo và cận nghèo.

Xã Quảng An có 9 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 74%. Đầu năm 2023, xã Quảng An có 14 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo. Nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình 1719, xã đã được đầu tư nhiều công trình như kiên cố hóa kênh tưới nước ở thôn An Sơn (hơn 8 tỷ đồng), xây nhà văn hóa thôn Mào Sán Cáu (hơn 1,7 tỷ đồng), đầu tư hệ thống nước sạch cho 7 thôn trong xã Quảng An giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND xã Quảng An cho biết: “Đối với chúng tôi, giúp người dân thoát nghèo chưa phải là đã hoàn thành nhiệm vụ, mà còn phải giúp họ ổn định cuộc sống, tránh tái nghèo. Chúng tôi đề cao vai trò của các doanh nghiệp khi đến đầu tư đã tạo nhiều mô hình phát triển kinh tế để người dân tham gia, từ đó giúp họ thoát nghèo”.

Anh Chìu A Xám (thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An) chăm sóc vườn cây bách bộ (ảnh chụp tháng 5-2023).

Cùng cán bộ xã Quảng An, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình trồng cây bách bộ được thực hiện trên diện tích 11ha ở thôn Tán Trúc Tùng với sự tham gia của 11 hộ đều là người DTTS. Anh Chìu A Xám, người dân tộc Dao, có 1ha trồng cây bách bộ, cho biết: “Khi bắt tay vào trồng giống cây này, chúng tôi đã ký kết với Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông lâm sản Thiên Kim là doanh nghiệp đang hoạt động tại xã Quảng An. Điều đó giúp chúng tôi yên tâm sản xuất khi biết sản phẩm của mình sẽ được thu mua để thu hồi vốn tái sản xuất”.

Tại Tổ sản xuất cây giống nông nghiệp xã Quảng An, anh Lỷ Chăn Sầu, Tổ trưởng tổ sản xuất cho biết: “Tổ sản xuất của chúng tôi có 11 xã viên đều là bà con DTTS. Hằng năm, chúng tôi sản xuất được hơn 20 vạn cây keo giống, cây quế cung cấp cho người dân trên địa bàn. Trước đây, khi chưa có tổ sản xuất, người trồng rừng phải đi các huyện xa để mua cây giống rồi thuê xe chở cây về rất tốn kém, lại không chủ động được nguồn cây giống. Giờ đây, bà con có thể mua cây giống ở gần nhà, có nhiều sự lựa chọn, lại không phải tốn kém chi phí cho việc thuê xe”.

Cũng tại huyện Đầm Hà, nhiều hộ đồng bào DTTS đã tham gia mô hình nuôi gà bản. Năm 2019, huyện Đầm Hà phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho sản phẩm “Gà bản Đầm Hà”. Hiện nay, Hợp tác xã Tuyền Hiền ở xã Quảng Tân là đơn vị được chọn sản xuất giống gà và cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong toàn huyện. Doanh nghiệp lại giúp bà con thu mua, tiếp thị bán sản phẩm gà bản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Vậy là người chăn nuôi yên tâm phát triển kinh tế.

Để giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, thời gian tới, huyện Đầm Hà tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, buôn bán.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xoa-ngheo-o-dam-ha-763102