Xoa dịu nỗi đau da cam

Bình Phước là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ và chất độc da cam sau chiến tranh. Hậu quả chiến tranh để lại vẫn từng ngày hiện hữu ở những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn Bình Phước, các tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hành động thiết thực 'Vì nạn nhân chất độc da cam'. Qua đó giúp sức, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình vượt qua nỗi đau thể chất, tinh thần, vươn lên trong cuộc sống.

Nỗi đau dai dẳng

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Việc phun rải chất độc hóa học này đã để lại hậu quả thảm khốc với hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu trường hợp là nạn nhân chất độc da cam.

Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng nỗi đau về chất độc da cam thì vẫn dai dẳng. Hằng ngày, hằng giờ, những nạn nhân đang phải chống chọi với các di chứng, bệnh hiểm nghèo bởi dioxin như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh…

Nỗi đau da cam chưa bao giờ vơi ở gia đình bà Phan Thị Tròn, thôn 3, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập

Vợ chồng bà Phan Thị Tròn ở thôn 3, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập sinh được 5 người con thì có 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Chồng mất, một mình bà mưu sinh bằng việc thu gom mủ cao su mướn, cạo vỏ lụa hạt điều thuê để nuôi 1 người con nằm tại chỗ và 1 người con khác ngây ngô như trẻ lên 3. Những người con còn lại của bà lập gia đình riêng, nhưng cuộc sống cũng rất khó khăn nên chẳng phụ giúp được nhiều. Nhiều đêm bà Tròn trằn trọc mất ngủ bởi: “Đã sinh con ra thì ai cũng thương con, mong con có cuộc sống tốt đẹp. Giờ tôi còn sống, còn cố gắng làm việc nuôi con. Sau này tôi mất đi, không biết ai sẽ chăm sóc cho các con nữa!”.

Mọi sinh hoạt hằng ngày của nạn nhân da cam Đỗ Thị Nga (bên phải), xã Long Hà, huyện Phú Riềng đều phụ thuộc vào mẹ

Di truyền chất độc da cam từ cha mẹ, nạn nhân Đỗ Thị Nga (40 tuổi) ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng bị dị tật bẩm sinh, không nói tròn vành rõ chữ, di chuyển khó khăn, não không thể tư duy… Mọi sinh hoạt hằng ngày từ ăn uống, đi lại, tắm giặt… chị Nga đều phụ thuộc vào mẹ - bà Nguyễn Thị Hồng - cũng là nạn nhân chất độc da cam. Lúc bình thường chăm sóc con còn đỡ, mỗi khi trái gió trở trời, bà Hồng càng thêm vất vả bởi tính khí thay đổi, hay cáu gắt của đứa con khờ dại.

Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Bình Phước hiện có gần 5.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó có 1.056 nạn nhân đang hưởng chế độ của Nhà nước, gồm 685 nạn nhân trực tiếp và 371 nạn nhân gián tiếp. Cả tỉnh có 583 gia đình có 1 nạn nhân; 176 hộ có 2 nạn nhân; 32 hộ có 3 nạn nhân; 5 hộ có 4 nạn nhân và 1 hộ có 5 nạn nhân chất độc da cam.

Vì nạn nhân chất độc da cam

Ông Nguyễn Văn Ngoan ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 65%. Những năm qua, vào dịp lễ, tết, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8), ông đều được các cấp hội đến thăm, tặng quà động viên. Điều đó khiến ông vô cùng xúc động, là động lực giúp ông phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là người lính Cụ Hồ, tiếp tục động viên con cháu giữ vững truyền thống gia đình, sống có ích cho xã hội.

Đại diện các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh thăm, tặng quà nạn nhân da cam nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2023) - Ảnh: Đ.H

Thời gian qua, cùng với cả nước, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh, các tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hành động thiết thực “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Với vai trò chủ lực trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng được quỹ hội hơn 3,9 tỷ đồng. Các cấp hội đã vận động tặng nạn nhân hơn 27.000 phần quà nhân dịp lễ, tết, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam; xây mới và sửa chữa 27 căn nhà, 18 nhà vệ sinh; hỗ trợ khoan 6 giếng nước sạch; tặng 66 xe lăn, xe lắc cùng các thiết bị hỗ trợ khác; hỗ trợ bò sinh sản, tặng giếng nước, sổ tiết kiệm; thăm hỏi, động viên khi nạn nhân da cam ốm đau, hoạn nạn…

Nhiều nạn dân da cam đã được giúp sức, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống - Trong ảnh: Nạn nhân da cam Vũ Ngọc Hồng, thôn 7, xã Long Hà, huyện Phú Riềng được hỗ trợ vay vốn đầu tư chăn nuôi bò

Song song đó, các hội, ngành, nhà hảo tâm, tổ chức phi chính phủ cũng tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân da cam. Em Phạm Thị Minh Tâm ở ấp 4, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài bị teo nhãn cầu và bại não từ lúc mới sinh. Tham gia Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”, Minh Tâm đã được các bác sĩ, kỹ thuật viên thăm khám, can thiệp trị liệu để phục hồi chức năng, cải thiện các hoạt động. Bà Vũ Thị Tìm - mẹ của Tâm xúc động cho biết: “Quá trình luyện tập con tôi đã có tiến triển, biết chải đầu, cột tóc, mặc quần áo… Thấy con làm được như vậy, tôi rất vui”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bùi Văn Thành cho biết, toàn tỉnh hiện có 11/11 huyện, thị, thành hội và 48/111 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đã thành lập hội với tổng hội viên hơn 7.200 người, trong đó hội viên tình nguyện là 6.230 người, đảm bảo công tác chăm sóc, quản lý nạn nhân. Thông qua công tác chăm sóc đã giúp các nạn nhân thấy mình không lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Từ đó, họ càng quyết tâm vượt qua nỗi đau da cam, nỗ lực ổn định cuộc sống.

Mạnh mẽ vươn lên

Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, bản thân những nạn nhân da cam vẫn luôn nghị lực vươn lên. Phẩm chất người lính Cụ Hồ kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ năm nào luôn sáng tỏ, phấn đấu lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội.

Gia đình 2 nạn nhân da cam - Lê Văn Ân (ngoài cùng, bên trái), thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng là một trong những điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống

Anh Lê Văn Hơn phụ giúp bố công việc chà nhám tại xưởng mộc

Điển hình như gia đình nạn nhân da cam Lê Văn Ân ở thôn 4, xã Long Hà. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông Ân đã mở xưởng mộc tại gia, chuyên đóng đồ nội thất, bàn ghế, giường tủ… Nhờ tay nghề tốt, xưởng mộc của ông luôn duy trì lượng khách ổn định, tạo nguồn thu cho gia đình. Là thế hệ thứ hai bị di truyền chất độc da cam từ bố khiến đôi chân bị khiếm khuyết, nhưng anh Lê Văn Hơn vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Hằng ngày, anh phụ giúp bố chà nhám tại xưởng mộc. Anh còn tham gia và giành được huy chương bạc môn đua xe lăn tại Hội thao người khuyết tật tỉnh Bình Phước lần thứ V năm 2020.

Nạn nhân Nguyễn Trung Trực, thôn 2A, xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác điều để nâng cao thu nhập - Ảnh: Đ.H

Gia đình ông Nguyễn Trung Trực ở thôn 2A, xã Bình Thắng cũng là một trong những điển hình về trường hợp gia đình có 2 nạn nhân da cam vượt khó. Với 2,7 ha điều, vợ chồng ông Trực chịu khó tìm tòi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương, ông Trực còn tích cực tham gia công tác xã hội, hoàn thành tốt vai trò Trưởng ban Công tác mặt trận thôn nhiều năm liền.

“Nghị lực vươn lên của các nạn nhân da cam rất đáng trân trọng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát lại các nạn nhân có đủ điều kiện để hỗ trợ vốn vay. Qua đó, tạo điều kiện giúp họ phát triển kinh tế, vượt lên số phận, ổn định cuộc sống”.

Ông Bùi Văn Thành
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh

Ngọc Huyền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/147301/xoa-diu-noi-dau-da-cam