Xin việc khó, vì sao NLĐ bất chấp nộp đơn nhận BHXH một lần?

Dù hiện nay lao động khó xin việc làm nhưng sẵn sàng nộp đơn xin nghỉ việc một năm để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành trước 1/7/2025.

Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM và Liên đoàn Lao động Tp.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân - lao động, chủ doanh nghiệp góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Qua đó, nhiều vấn đề trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được đại biểu bàn thảo như 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, sự chênh lệch thời gian đóng - hưởng của người lao động nam và nữ, gia tăng các quyền lợi của người lao động khi về hưu...

Có thể xảy ra làn sóng ồ ạt nghỉ việc?

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định hai phương án nhận BHXH một lần. Nhiều người băn khoăn khi chỉ được rút BHXH một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng thì quyền lợi của họ có được bảo đảm hay bị thu hẹp?

Người lao động làm hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội Tp.Thủ Đức. Ảnh: Tiền Phong

Về 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, hầu hết người lao động, cán bộ Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp đều chọn phương án 1, cụ thể là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1/7/2025) sẽ được rút BHXH một lần.

Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng được xem là phương án tối ưu và đáp ứng nguyện vọng của người lao động nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Ngô Thị Mỹ Kha, công nhân trực tiếp sản xuất thuộc Công ty Lạc Tỷ cho biết bản thân làm việc tại công ty đã 22 năm, muốn làm tiếp tục để chờ đến tuổi nhận lương hưu. Song, trước biến động của tình hình thị trường lao động, nhất là tình trạng cắt giảm nhân công của các doanh nghiệp may mặc, da giày nên bản thân cũng như người lao động tại công ty có ý định nghỉ việc chờ sau một năm hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận bảo hiểm xã hội một lần.

“Một đồng nghiệp của tôi với gần 20 năm làm việc nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được khoảng tiền 170 triệu đồng. Sau đó, nếu chị ấy tiếp tục đi làm ở chỗ mới đóng bảo hiểm xã hội và vẫn được nhận lương, cho đến khi đủ tuổi về hưu dù gì với số năm đi làm chị vẫn được nhận lương hưu mà vẫn có số tiền bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, tham gia bảo hiểm xã hội càng lâu càng lỗ…”, bà Kha đúc kết.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù hiện nay lao động khó xin việc làm nhưng sẵn sàng bất chấp tất cả, nộp đơn xin nghỉ việc một năm để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành trước ngày 1/7/2025. Nếu vấn đề đó thực sự xảy ra thì những doanh nghiệp như Intel sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu như toàn thể người lao động trực tiếp không đi làm việc trong một năm và chắc chắn sẽ không làm việc ở công ty khác để chờ rút BHXH thì nguồn cung lao động sẽ là vấn đề không nhỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), nếu chọn phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH chắc chắn người lao động sẽ bị sốc vì hạn chế quyền lợi của họ. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng sẽ khó lường trước được sẽ có bao nhiêu người lao động sẽ rút một lần, có thể xảy ra làn sóng ồ ạt nghỉ trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.

Bởi theo ông Nghiệp, hiện tâm lý người lao động vẫn nghiêng về rút BHXH một lần nên kể cả khi có đề xuất giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm cũng không đủ hấp dẫn họ. Vì vậy, cùng với việc tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động (đối với nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực) thì cần phải gia tăng các quyền lợi của người lao động khi về hưu.

Với hai phương án đề xuất, nhiều người lao động khác cũng nghiêng về rút BHXH một lần tối đa không quá 50% nhưng cho rằng, đề xuất quy định này là đang ngăn cản quyền lợi của họ. Bởi vì người lao động đóng BHXH và chủ sử dụng lao động đóng cho thì người lao động có quyền rút bất cứ lúc nào.

Về những ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường phản hồi: Theo quy định của pháp luật BHXH, trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc là cả người lao động và người sử dụng lao động. Việc đóng bảo hiểm là thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Mong muốn lương hưu phải bảo đảm an sinh và mức sống tối thiểu

Một trong những vấn đề được góp ý nhiều nhất tại buổi làm việc là tăng sức hút của chế độ hưu trí với người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng từ thực tế hiện nay lương hưu của nhiều người quá thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu, vì vậy cần phải có cuộc cải cách về lương hưu theo hướng xem xét lại mức đóng BHXH hiện tại, đồng thời tính toán lại lương hưu sao cho mức lương hưu thấp nhất tiệm cận với lương tối thiểu vùng. Chỉ có như vậy, người lao động mới mong chờ vào lương hưu.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao Tp.HCM), Luật BHXH liên quan đến an sinh xã hội, trong đó quan trọng nhất là chế độ hưu trí, do vậy cần xem xét thấu đáo khi sửa đổi luật này. Bà Yến nêu thực tế: "Quy định giảm 2% đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý, cần phải quy định có lợi hơn cho người lao động đã tham gia BHXH sớm.

Trong trường hợp người lao động đã tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên đối với nữ và 35 năm trở lên đối với nam nhưng do suy giảm khả năng lao động phải nghỉ hưu sớm thì không nên trừ % nào hoặc tối đa không quá 1%. Như vậy mới động viên người lao động ở lại với quỹ hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện trước khi đủ tuổi nghỉ hưu".

Về vấn đề trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ 75% thì trợ cấp một lần là 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng vượt) theo bà Yến là còn thấp và có sự chênh lệch lớn so với mức hưởng BHXH một lần.

Điều này không khích lệ người lao động đóng BHXH đến lúc nghỉ hưu. Bà Yến đề xuất mức trợ cấp một lần phải bằng mức hưởng BHXH một lần (1,5 tháng lương/năm đóng BHXH cho thời gian tham gia trước năm 2014 và 2 tháng lương/năm cho thời gian tham gia sau năm 2014).

Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân), cho biết thời gian qua, người lao động của công ty liên tục xin nghỉ để hưởng BHXH một lần. Vì vậy, khi sửa đổi Luật BHXH lần này phải làm sao để tạo niềm tin cho người lao động vào chế độ hưu trí. "Theo tôi, cần xóa đi sự chênh lệch giữa nam và nữ trong việc việc đóng - hưởng các chế độ BHXH và theo nguyên tắc đóng nhiều, hưởng nhiều”.

M.Vy (t/h từ Nhân Dân, Tin Tức, Người Lao động, Kinh tế Đô thị)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xin-viec-kho-vi-sao-nld-bat-chap-nop-don-nhan-bhxh-mot-lan-a631746.html