Xin lỗi suông

Huấn luyện viên (HLV) Troussier đã không còn tại vị. Hành trình của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á coi như thất bại toàn tập. Đội tuyển Việt Nam bị văng ra khỏi tốp 100 thế giới.

Cổ động viên người thì đổ máu trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), người thì đập đồ, thậm chí không ít người u uất vì thành tích của đội nhà... Thế nhưng, vẫn chưa thấy một lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nào đứng ra trực tiếp nói lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.

Hay lãnh đạo VFF cho rằng xin lỗi qua thông cáo báo chí là đủ?

“... Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xin lỗi người hâm mộ bóng đá nước nhà vì thành tích của đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, đồng thời mong người hâm mộ sẽ tiếp tục đặt niềm tin và sự ủng hộ cho bóng đá Việt Nam nói chung, các đội tuyển bóng đá quốc gia nói riêng”. Thông cáo báo chí được đăng tải vào đêm khuya 26-3, trên trang chủ VFF, sau trận đội tuyển Việt Nam thua Indonesia, được viết vội nên sai cả tên đội bóng xứ vạn đảo, dù có mấy trăm chữ.

Đến giờ, trong giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn chia làm hai phe. Một bên lấy làm tiếc cho ông Troussier (vốn ủng hộ chiến lược gia người Pháp trong suốt thời gian dài vừa qua) và một bên phản đối kịch liệt cách cầm quân của vị HLV này.

Huấn luyện viên Troussier trong trận đội tuyển Việt Nam thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: LÂM THỎA

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cựu cầu thủ Thể Công, trong những lần trò chuyện cùng chúng tôi đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi thuộc phe phản đối ông Troussier. Trên thế giới, không có HLV nào liều lĩnh đến mức độ không sử dụng những cầu thủ trụ cột của đội tuyển quốc gia, nhất là khi họ hoàn toàn khỏe mạnh, có phong độ tốt”.

Ngay trước thềm lượt về trận Việt Nam-Indonesia, anh em phóng viên thể thao có thi đấu bóng đá giao hữu với HLV, vận động viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. Bên lề trận đấu, mọi người bàn nhiều về tình huống hàng thủ Việt Nam để thua trên đất Indonesia. Đó là tình huống hớ hênh, chủ quan của hệ thống phòng ngự. Thầy chỉ đạo, còn trò thực chiến. Trách thầy thì trò cũng liên đới.

Còn trình độ của HLV Troussier thì không phải bàn cãi, bởi ông có thực tài, góp công lớn vào thành công của đội tuyển bóng đá Nhật Bản và một số đội tuyển ở "lục địa đen". Không phải ngẫu nhiên cái tên “Troussier” xuất hiện ở Sảnh danh vọng trong khuôn viên trụ sở Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

Khi cầm quân các đội tuyển Nhật Bản, Troussier mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ và đã thành công rực rỡ, nâng tầm bóng đá xứ phù tang trở thành thế lực hùng mạnh tại châu Á. Tin dùng cầu thủ trẻ là một trong những cách dùng người của HLV Troussier.

Xâu chuỗi lại, từ khi ông Troussier cầm quân các đội tuyển Việt Nam thì luôn xuất hiện lỗi trong hệ thống phòng ngự (điển hình là trong hai trận thua vừa qua trước đội tuyển Indonesia). Từ những bàn thua không đáng có đến từ lỗi cá nhân cho tới sự hớ hênh của hàng thủ.

Thua 0-3 trước đội bóng xứ vạn đảo trên sân Mỹ Đình thì đấy là cái thua của cả một tập thể, từ lãnh đạo VFF, đội tuyển quốc gia... cho tới nền bóng đá nước nhà.

Lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển quốc gia Việt Nam, những tấm băng rôn xuất hiện trên sân Mỹ Đình đòi sa thải HLV trưởng. Bóng đá Việt Nam trước thời HLV Park Hang-seo cũng có không ít chiến lược gia nội, ngoại thất bại trong việc dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, nhưng chưa một ai-như ông Troussier-bị người hâm mộ phản ứng gắt đến vậy.

Ở đây, HLV Troussier phải chịu trách nhiệm và ông đã biết ý dừng cuộc chơi.

Cũng cần phải nhớ lại thời điểm VFF ký hợp đồng với HLV Troussier vào tháng 2-2023, khi đó, bóng đá Việt Nam chững lại và đi xuống sau những thành công với thầy Park. Bản thân ông Park cũng rất khôn ngoan khi chọn thời điểm chia tay VFF, vì chiến lược gia người Hàn Quốc biết, không thể cố khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam đang bước vào giai đoạn thoái trào sau chu kỳ thành công trước đó.

Khi VFF ký hợp đồng với ông Troussier, cảm giác đó là cuộc “hôn nhân” mà các bên đều ảo tưởng về nhau. VFF thì kỳ vọng chiến lược gia người Pháp sẽ đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục. Ngược lại, ông Troussier thì tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ cung cấp đủ cho mình những tài năng trẻ, để ông có “đủ bột” làm cơ sở thi triển, áp dụng những triết lý bóng đá của mình.

Trách, đổ lỗi cho ông Troussier thì cũng phải xem trách nhiệm liên đới của lãnh đạo VFF đến đâu. Chứ không thể chỉ là một lời xin lỗi trong thông cáo báo chí được đăng tải lúc nửa đêm.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/xin-loi-suong-770595