Xin làm xã nghèo để... thoát nghèo

Năm 2006, xã Cư A Mung được tách ra từ xã Ea Vy, một xã khu vực II của huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk. Sau 10 năm thành lập, Cư A Mung vẫn còn nguyên 2 thôn đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao, nên mới đây chính quyền xã Cư A Mung đã xin cấp trên phê duyệt là xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.

Dân nghèo “đói” đất sản xuất

Các hộ dân ở thôn 9 của xã Cư A Mung đều là đồng bào Tày, Nùng từ Cao Bằng chuyển vào đây lập nghiệp từ những năm 1984-1990. Từ một nơi đang khó về đất chuyển đến nơi ở mới bây giờ, đồng bào của thôn 9 lại vẫn đang khó về đất. Cả thôn 9 có 164 hộ. Không cần giở sổ sách, Trưởng thôn Nông Văn Kiềm cung cấp, tính bình quân thì mỗi hộ có khoảng 5.000m2 cả đất rẫy, đất ruộng. Nhưng lại có tới 50 hộ không hề có mét đất nào mà quanh năm đi làm thuê. “Có nhà không một tí đất nào đâu. Chăn nuôi lại không có đồng cỏ. Nhà có mấy con bò nhưng không có chỗ chăn, khổ thế. Mà trồng cỏ, đất xấu cũng không lên. Đi làm thuê, bà con đi hái tiêu đi tận đâu cũng đi, mấy người thì đi phụ hồ” – ông Kiềm cho hay.

Có ít đất sản xuất, bà con ở xã Cư A Mung chủ yếu đi làm thuê. Ảnh: H.M

Đất vợ chồng mình được nhà bên chồng chia cho ít thôi, đủ dựng nhà, chỉ còn 3 – 4 sào để làm vườn. Từng ấy đất làm sao xóa nghèo, vay vốn cũng không biết làm gì. Nuôi trâu bò cũng không có chỗ trồng cỏ, nước không có để tưới”.

Chị Hoàng Thị Hoan
(thôn 9, xã Cư A Mung)

Nếu xét theo các tiêu chí của chuẩn nghèo đa chiều, thôn 9 chưa có đường giao thông đi đến trung tâm xã; chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn; chưa có cán bộ khuyến nông; thiếu phòng học cho lớp mẫu giáo. Cả thôn còn có tới hơn 34% hộ nghèo; hơn 26% hộ cận nghèo; 88% lao động chưa qua đào tạo; hơn một nửa số hộ trong thôn không có nhà tiêu hợp vệ sinh; hơn 41% số hộ chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; một phần tư số hộ thiếu đất sản xuất; hơn một nửa diện tích canh tác chưa được tưới tiêu; một phần ba số hộ chưa có điện sinh hoạt; và trong thôn chỉ có 4 hộ làm nghề phi nông nghiệp. Từ thực trạng này, thôn 9 tự đánh giá là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhưng bà con ở đây chẳng mấy ai quan tâm đến các tiêu chí đa chiều.

Đi từ thôn 9 qua thôn 4 đến buôn Tơ Zoa, bà con đều nói đến nghèo, khó và thiếu đất. Anh Triệu Văn Vĩnh ở thôn 4 có tới 7.000m2 đất canh tác nhưng nhà Vĩnh cũng thuộc diện cận nghèo. “Gia đình tôi có 7 sào nhưng trồng cây lung tung, thu nhập kém. Trước là hộ nghèo, nay cận nghèo. Đất chưa có sổ đỏ. Học nghề cũng không quan tâm lắm vì học về cũng không xin được việc ở đâu” – anh Vĩnh bộc bạch.

Xin vào xã đặc biệt khó khăn

Nếu tính hộ nghèo cả xã, hiện nay Cư A Mung còn khoảng một phần ba trong tổng số hơn 850 hộ gia đình; hơn một phần ba số hộ của xã thiếu đất sản xuất và tới 86% lao động chưa qua đào tạo… Ông Nguyễn Văn Mông - Bí thư Đảng ủy xã Cư A Mông cho rằng, do căn cứ vào chuẩn nghèo đa chiều nên cấp ủy, chính quyền xã đề nghị cấp trên phê duyệt Cư A Mung là xã đặc biệt khó khăn vì lý do: “Về cơ sở hạ tầng, đường sá, cơ sở vật chất trên địa bàn chưa được bao nhiêu. Trước đây, ở xã Cư A Mung, tỷ lệ hộ nghèo rất ít. Nhưng theo tiêu chí mới đa chiều, tỷ lệ tăng lên rất nhiều. Năm nay, chúng tôi đề nghị bổ sung thôn nghèo, thôn khó khăn với xã khó khăn vì qua rà soát hộ nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tăng đột biến. Địa phương rất mong các cấp tạo điều kiện đầu tư cho địa phương” – ông Mông cho hay.

Tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cư A Mung đã giảm 9% theo chuẩn cũ. Nay theo chuẩn nghèo đa chiều, con số này lại gấp hơn 3 lần. Bài toán giảm nghèo ở đây sẽ ngày càng khó khăn hơn khi đang từ một xã vùng II tách ra, sau 10 năm thành lập, Cư A Mung lại trở thành một xã đặc biệt khó khăn. Nhưng nhìn đi nhìn lại, cái khó nhất của Cư A Mung, đó là tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào nơi đây.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/xin-lam-xa-ngheo-de-thoat-ngheo-710281.html