Xiaomi có thể sản xuất ô tô điện bằng máy móc và kỹ thuật mà Tesla đi tiên phong, Elon Musk càng thêm lo

Đầu năm 2024, Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng các công ty Trung Quốc là thách thức lớn nhất với tham vọng ô tô điện của Tesla.

Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.

Nỗi lo ngại của Elon Musk đã trở thành sự thật khi Tesla tuần trước công bố lượng giao ô tô điện quý 1/2024 sụt giảm (lần đầu trong gần 4 năm), giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.

Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.

Xiaomi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thường gắn liền với việc sản xuất smartphone, đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình tại một sự kiện sang trọng ở thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 3. Chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).

Dù Speed Ultra 7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt mẫu ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla, chỉ ba năm sau khi Giám đốc điều hành Lôi Quân công bố kế hoạch xe điện, đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.

Speed Ultra 7 có giá rẻ hơn Model 3 của Tesla (237.900 nhân dân tệ) - Ảnh: Reuters

Điều cũng thu hút sự quan tâm là cách Xiaomi sản xuất Speed Ultra 7 để đạt được thành tích đó.

Cuối năm ngoái, Xiaomi gợi ý rằng có thể sản xuất ô tô điện được một phần nhờ vào quá trình “đúc khuôn siêu tốc” mà họ “tự phát triển”. Phần sản xuất này biến kim loại nóng chảy thành khuôn và yêu cầu các máy móc lớn, phức tạp. Làm thế nào mà Xiaomi, công ty chuyên sản xuất các smartphome cạnh tranh với iPhone, có thể phát triển và quản lý được điều đó?

Với một số nhà phân tích, có lý do để tin rằng Tesla đã vô tình góp phần vào thành tích của Xiaomi.

Kyle Chan, chuyên gia tại Đại học Princeton, gần đây cho biết Xiaomi áp dụng cách sản xuất ô tô điện bằng các máy móc tương tự như Giga Press mà Tesla sử dụng trong quy trình đúc khuôn của mình.

Giga Press là một loại máy đúc khuôn áp lực cao được Tesla phát triển cùng công ty LK Group (Trung Quốc). Đây là máy đúc khuôn lớn nhất thế giới, có lực kẹp từ 55.000 đến 61.000 kilonewton và nặng từ 410 đến 430 tấn.

Giga Press được sử dụng để sản xuất các bộ phận lớn của ô tô điện, chẳng hạn thân xe và khung gầm. Máy có thể đúc các bộ phận này từ nhôm nóng chảy với độ chính xác cao và tốc độ nhanh.

Việc sử dụng Giga Press giúp Tesla giảm chi phí sản xuất và tăng tốc độ sản xuất ô tô điện. Tesla đang sử dụng Giga Press tại các nhà máy ở bang California, Nevada và Texas (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc) và Berlin (thủ đô Đức).

Dưới đây là một số lợi ích của việc sử dụng Giga Press:

- Giảm chi phí sản xuất ô tô điện bằng cách giảm số lượng bộ phận cần thiết và giảm thời gian cần thiết để tạo ra xe.

- Tăng tốc độ tạo ra ô tô điện bằng cách cho phép sản xuất các bộ phận lớn một cách nhanh chóng và chính xác.

- Cải thiện độ bền của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ chính xác cao và ít mối hàn hơn.

Giga Press là một công nghệ mới và đang được phát triển. Tesla và các nhà sản xuất xe điện khác đang tiếp tục khám phá các cách mới để sử dụng Giga Press để cải thiện hiệu quả sản xuất xe điện.

Ngoài ra, Giga Press còn có thể mang lại một số lợi ích khác, chẳng hạn:

- Giảm thiểu tác động môi trường của sản xuất ô tô điện bằng cách giảm thiểu lượng chất thải và năng lượng tiêu thụ.

- Tăng tính an toàn của ô tô điện bằng cách tạo ra các bộ phận có độ bền cao hơn.

Như Kyle Chan đã lưu ý trên mạng xã hội X, khi lần đầu tiên vào Trung Quốc, Tesla đã hợp tác chặt chẽ với LK Group để phát triển “máy đúc lớn nhất thế giới để sản xuất các bộ phận của ô tô điện”.

Liu Siong Song, người sáng lập LK Group, nói với tờ The New York Times vào năm 2021 rằng việc phát triển Giga Press của Tesla là quá trình lâu dài, mất “hơn 1 năm”. Theo Liu Siong Song, Tesla thường xuyên hỏi liệu "có thể làm điều này hay điều kia không" và đòi hỏi phải thay đổi máy móc của LK Group.

Nói cách khác, đây là sự hợp tác khiến Tesla trở thành người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện. Tuy nhiên, chuyên môn về đúc khuôn của LK Group không còn bị giới hạn ở Tesla sau năm 2022 vì hãng đã đạt được thỏa thuận với 6 công ty Trung Quốc khác để cung cấp máy đúc cho họ, theo trang Insider.

LK Group không tiết lộ danh tính 6 công ty đó. Thế nhưng, Xiaomi có thể đang sản xuất ô tô điện bằng máy móc và kỹ thuật mà Tesla đi tiên phong cùng LK Group ở Trung Quốc. Xiaomi không trả lời câu hỏi từ Insider.

Đó có thể là một thực tế khó chấp nhận với Elon Musk. Sau nhiều năm ủng hộ Trung Quốc như một nơi thích hợp để kinh doanh, giờ đây tỷ phú 52 tuổi người Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ đang điều chỉnh quy trình sản xuất bằng công nghệ mà Tesla từng có lợi thế.

Trong nhiều năm, các công ty phương Tây luôn lo ngại về việc các hãng Trung Quốc sao chép ý tưởng và sự sáng tạo của họ để phục vụ thị trường nội địa bằng những lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Với Tesla, đây lại là một rủi ro khác khi hãng phải đối mặt với tình trạng doanh số sụt giảm.

Apple thất bại với dự án 10 năm, vì sao Xiaomi vẫn đặt cược vào ô tô điện?

Một tháng sau khi Apple từ bỏ dự án ô tô điện kéo dài một thập kỷ, Xiaomi đã bắt đầu nỗ lực táo bạo để trở thành lọt vào top 5 nhà sản xuất ô tô với việc ra mắt ô tô điện đầu tiên của mình.

“Nếu tôi là Tim Cook, tôi sẽ không bao giờ làm điều đó”, Lôi Quân (Giám đốc điều hành Xiaomi) nói gần đây về quyết định hủy bỏ dự án ô tô điện của Apple. Ông gọi dự án ô tô điện Xiaomi là dự án kinh doanh cuối cùng của mình nhưng Speed Ultra 7 đang được tung ra trong bối cảnh cuộc chiến giảm giá khốc liệt ở Trung Quốc và quá nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Khi xe điện hiện chiếm khoảng 1/3 doanh số ô tô mới tại Trung Quốc, các nhà phân tích và quản lý trong ngành đã dự đoán một giai đoạn hợp nhất sẽ xảy ra với cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống với nhiều hãng mới tham gia thị trường.

Giới chức Mỹ và châu Âu sợ rằng khi nhu cầu nội địa tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, làn sóng xuất khẩu xe điện nước này sẽ tràn ngập thị trường quốc tế, làm dấy lên lo ngại về các hoạt động thương mại không công bằng và an ninh quốc gia.

Chỉ mất 3 năm để chiếc ô tô đầu tiên của Xiaomi ra đời nhấn mạnh tốc độ phát triển trong ngành công nghiệp xe điện cực kỳ cạnh tranh và dẫn đầu thế giới của Trung Quốc cũng như việc các hãng công nghệ háo hức giành thị phần.

Huawei, một hãng sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc khác, cũng đang có được chỗ đứng với thương hiệu Aito. Aito M7 của Huawei là mẫu xe điện bán chạy thứ tư tại Trung Quốc trong năm nay.

Li Yanwei, thành viên của Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc, nói Xiaomi đang phải đối mặt với thách thức từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống hơn, gồm Tesla, BMW, BYD và Geely Zeekr, vốn đang thực hiện cuộc chiến giảm giá. Li Yanwei lưu ý: “Họ không để lại nhiều không gian cho Speed Ultra 7”.

Speed Ultra 7 đang được định vị là “chiếc ô tô điện mơ ước” cạnh tranh với Tesla và Porsche với khả năng tăng tốc nhanh hơn cả hai.

Lôi Quân đã cam kết đầu tư 10 tỉ USD vào dự án ô tô điện của Xiaomi trong hơn một thập kỷ, với mục tiêu trở thành 1 trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới 15 đến 20 năm tới. Ông nói: “Xiaomi đang nỗ lực nâng cao vị thế của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc”.

“Các công ty Trung Quốc không ngại thử những điều chưa từng làm trước đây, trong khi Apple lại vội vã đưa ra quyết định nhanh chóng”, Tycho de Feijter, chuyên gia về thị trường ô tô Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu Clingendael (Hà Lan), nhận định.

Speed Ultra 7, mẫu ô tô điện 5 chỗ của Xiaomi, có hệ điều hành hoạt động với smartphone và các thiết bị gia dụng như máy điều hòa và thậm chí cả… nồi cơm điện, cho phép người dùng điều khiển tất cả loại thiết bị khi đang di chuyển trên đường.

Yale Zhang, người sáng lập công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét: “Một công ty có smartphone và hệ điều hành tự phát triển chắc chắn có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống về khả năng kết nối của xe”.

Xiaomi có lợi thế về chuyên môn về chuỗi cung ứng trong sản xuất điện tử tiêu dùng, điều này đang hỗ trợ hoạt động kinh doanh ô tô của hãng. Speed Ultra 7 có phạm vi hoạt động lên tới 830km trong một lần sạc, tốc độ tối đa 265km/h và thời gian tăng tốc từ 0 đến 100km/h là 2,78 giây. Đây là điều mà nhà phân tích Ivan Lam của hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho là “hoàn hảo”. Xiaomi cũng hợp tác với nhiều nhà cung cấp, gồm cả CATL (hãng sản xuất pin ô tô điện số 1 thế giới), BYD (hãng ô tô điện lớn nhất Trung Quốc) và Inovance (nhà sản xuất động cơ điện).

“Xiaomi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, nhưng họ là bậc thầy về chuỗi cung ứng và tham gia cuộc đua vào thời điểm mọi thứ đã phát triển tương đối ổn định”, Ivan Lam nói.

Kết quả tài chính cả năm 2023 cũng cho thấy hoạt động kinh doanh smartphone cốt lõi của Xiaomi tiếp tục tạo ra dòng tiền mạnh mẽ có thể hỗ trợ cho sáng kiến ô tô điện đang thua lỗ của họ.

Ivan Lam cho hay: “Việc tìm kiếm điểm bùng nổ tiếp theo là điều hết sức cần thiết với Xiaomi, một công ty niêm yết đại chúng”, đồng thời nói thêm rằng quy mô thị trường ô tô gấp 10 lần quy mô thị trường smartphone.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xiaomi-co-the-san-xuat-o-to-dien-bang-may-moc-va-ky-thuat-ma-tesla-di-tien-phong-elon-musk-cang-them-lo-215901.html