Xét xử vụ sản xuất, tiêu thụ tranh giả lớn nhất Canada

Ngày 14/12/2023, Tòa án Canada đã tuyên phạt 5 năm tù về tội lừa đảo đối với Gary Lamont - đối tượng cầm đầu nhóm sản xuất, tiêu thụ khoảng 1.000 bức tranh được làm giả từ các tác phẩm của họa sĩ đương đại Norval Morrisseau, người được mệnh danh 'Picaso phương Bắc'.

Đây là vụ sản xuất, tiêu thụ tranh giả lớn nhất lịch sử Canada, khi các chuyên gia nghệ thuật đánh giá khoảng 3-5 nghìn bức do Gary Lamont sản xuất đang lưu hành và cảnh sát phải mất 13 năm điều tra để đưa 8 đối tượng trong nhóm cầm đầu ra tòa.

Xuất thân là người thiểu số bản địa, Norval Morrisseau chỉ đi học 4 năm, sau đó sức khỏe yếu nên quay về sống ở vùng nông thôn, học từ những người đồng bào. Cuộc đời Morrisseau bị bệnh tật hành hạ, dù mẹ ông bằng linh cảm đã đặt cho con cái tên cầu may là Copper Thunderbird (Thần sấm bằng đồng).

Morrisseau trở thành họa sĩ nhờ tự học, ông đã phát triển các kỹ thuật cùng vốn từ vựng nghệ thuật của riêng mình để ghi lại những truyền thuyết và hình ảnh xưa từng đến với ông trong những ảo ảnh hoặc giấc mơ. Ban đầu Morrisseau bị cộng đồng bản địa chỉ trích vì những bức tranh của ông thể hiện tâm linh truyền thống. Ông có thể vẽ trên bất kỳ chất liệu nào tìm thấy, đặc biệt là vỏ cây bạch dương và cả da nai sừng tấm, sử dụng tông màu đất và chất liệu truyền thống phù hợp với phong cách quê hương của Morrisseau.

Sau khi được họa sĩ, chủ phòng tranh Jack Pollock phát hiện vào đầu thập niên 1960, tên tuổi của Morrisseau nhanh chóng được biết tới không chỉ ở Canada. Trước khi sức khỏe suy sụp vào năm 1994, Morrisseau đã trở thành "Picaso phương Bắc" với tất cả sự ngưỡng mộ của công chúng.

Gary Lamont - đối tượng cầm đầu nhóm sản xuất, tiêu thụ tranh giả

Năm 2005, nhạc công kiêm ca sĩ Kevin Hearn của Ban nhạc Barenaked Ladies nhìn thấy một bức tranh của Morrisseau trên tờ tạp chí và rất thích nó. Thông qua một phòng trưng bày danh tiếng, Hearn trở thành chủ nhân của bức tranh với giá 20.000USD. Năm 2010 (lúc này Morrisseau đã qua đời được 3 năm, thọ 75 tuổi), Hearn cho mượn bức tranh để trưng bày. Một họa sĩ học nghề tên Ritchie Sinclair lập tức gỡ bức tranh xuống.

Vụ kiện dân sự đòi bồi thường xuất hiện kéo theo cuộc điều tra của cảnh sát. Liên quan tới bức tranh do Hearn mua, cảnh sát phát hiện nó được người cháu họ của chính Morrisseau vẽ. Các chuyên gia dựa trên những đặc điểm của phong cách vẽ và thói quen ký tên trên tranh cho rằng đó là tranh giả. Còn nhân chứng của cuộc điều tra cho biết người cháu trai đã dành hàng giờ để luyện chữ ký bằng ngôn ngữ bản địa của Morrisseau mà họa sĩ luôn sử dụng ở mặt trước bức tranh. Một nhân chứng khác khai rằng anh ta thường xuyên bay đến Calgary để bán tranh giả. Cái tên Gary Lamont xuất hiện trong hồ sơ điều tra và dần rõ nét với vai trò kẻ cầm đầu.

Cuộc điều tra cho thấy, ngay từ năm 1996 đã hình thành băng nhóm làm giả tranh của Morrisseau, âm thầm tuyển mộ những họa sĩ người thiểu số bản địa không tên tuổi - trong đó có những người trẻ - để thực hiện công đoạn vẽ tranh giả, trong đó có cả họ hàng của Hearn đang học nghề tại xưởng vẽ của ông. Trải qua thời gian, băng này lập thành 3 nhóm chia khu vực hoạt động, bức tranh giả mà Hearn mua là do nhóm thứ 2 thực hiện. Gary Lamont - kẻ cầm đầu - từng thụ án 5 năm tù về tội tấn công tình dục.

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/xet-xu-vu-san-xuat-tieu-thu-tranh-gia-lon-nhat-canada_157038.html