Xét xử vụ án Công ty Ngọc Hưng kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Bác yêu cầu của nguyên đơn

Hôm nay 7/9, TAND tỉnh mở phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng), có địa chỉ tại khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa và bị đơn là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, địa chỉ Lô E3, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án gồm Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt.

Vụ án nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; các ĐBQH tỉnh gồm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng và Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh trực tiếp theo dõi xét xử tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng - Ảnh: Lê Minh

Công ty Ngọc Hưng khởi kiện Quyết định Tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV (Quyết định số 3241) ngày 5/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vì đã tịch thu số tiền 59.690.076.000 đồng của doanh nghiệp.

Theo đơn khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng, ngày 17/12/2011, tại Cửa khẩu Lao Bảo, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/ BO33, nhập khẩu 535,800 m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam, được Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo kiểm tra, xác nhận thông quan. Sau đó, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849 XK/KD/C32D, xuất khẩu 535,8 m3 gỗ trắc nhập khẩu nói trên từ Việt Nam sang Hồng Kông, Trung Quốc, được Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt kiểm tra, xác nhận thông quan, niêm phong và thực hiện các thủ tục chuyển đến cảng Đà Nẵng để xuất khẩu.

Ngày 30/12/2011, Tổng cục Hải quan có Công văn số 103/TCHQ-VP yêu cầu Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng và giao toàn bộ hồ sơ cùng hàng hóa cho Cục Điều tra chống buôn lậu (Cục ĐTCBL) - Tổng cục Hải quan chủ trì khám xét.

Ngày 6/1/2012, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng ra Quyết định số 01/QĐ-HQCĐN, khám xét 22 container gỗ của Công ty Ngọc Hưng và ngày 14/3/2012 lập Biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 01/BB-HC4, kết luận lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng gồm: 453,104 m3, trong đó có: 431,598 m3 gỗ trắc, 21,506 m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ.

Phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty Ngọc Hưng và bị đơn là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Ảnh: Lê Minh

Ngày 6/4/2012, Cục ĐTCBL ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-ĐTCBL khởi tố Công ty Ngọc Hưng về tội “Buôn lậu” theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 và ngày 12/4/2012 ra tiếp Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL, thu giữ toàn bộ số gỗ chứa trong 22 container thuộc tờ khai xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19/12/2011 của Công ty Ngọc Hưng. Ngày 31/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) ra Quyết định xử lý vật chứng số 21/C44-P4 và ngày 13/1/2014 bán toàn bộ lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh, thu được 63.920.000.000 đồng.

Ngày 26/7/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có Bản án hình sự sơ thẩm số 187/2019/HSPT, kết luận: “Do vật chứng của vụ án là lô gỗ xuất khẩu đã bị bán đấu giá trước khi xét xử sơ thẩm, nên số tiền bán đấu giá tài sản là 63.920.000.000 đồng, sau khi trừ chi phí bán đấu giá, còn lại 63.826.330.000 đồng được coi là vật chứng của vụ án.

Đối với khối lượng hàng buôn lậu là 78,872 m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương, có giá trị là 4.136.254.000 đồng, hội đồng xét xử sẽ tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Số vật chứng được tính thành tiền còn lại là 59.690.076.000 đồng, do không có cơ sở để kết luận các bị cáo buôn lậu nên hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định “chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Công ty Ngọc Hưng khai sai với thực tế về tên hàng”.

Ngày 26/7/2019, Công chức Đội 2 - Cục ĐTCBL lập Biên bản vi phạm hành chính về hải quan số 01/BB-VPHC và ngày 5/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra Quyết định Tịch thu tang vật vi phạm hành chính số 3241/QĐ-TTTV tịch thu số tiền 59.690.076.000 đồng nói trên.

Tranh luận tại phiên tòa, đại diện Công ty Ngọc Hưng cho rằng số tiền 59.690.076.000 đồng là tài sản hợp pháp của của Công ty Ngọc Hưng, vì đây là số tiền Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên không có hành vi buôn lậu. Tang vật của vụ án không thuộc loại hàng hóa bị cấm lưu hành nên việc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu là không đúng quy định pháp luật; hành vi vi phạm hành chính đã quá thời hạn xử phạt.

Quyết định số 3241 có hình thức và nội dung không đúng với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; không phù hợp với kết luận và quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm tại Bản án số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; không đúng với thực tế hoạt động xuất nhập khẩu lô gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng.

Đặc biệt, Quyết định 3241 đi ngược lại với nội dung Công văn số 1661/TCHQ-TXNK ngày 20/2/2014 của chính Tổng cục Hải quan trả lời Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) về số tiền thuế giá trị gia tăng mà Công ty Ngọc Hưng đã nộp vào ngân sách nhà nước cho 535,8 m3 gỗ trắc nhập khẩu. Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo và Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt thừa nhận hồ sơ hải quan của lô hàng do Công ty Ngọc Hưng lập là hợp pháp.

Từ đó, yêu cầu hội đồng xét xử tuyên hủy Quyết định số 3241; yêu cầu Tổng cục Hải quan trả lại số tiền liên quan 59.690.076.000 đồng cho Công ty Ngọc Hưng; yêu cầu Tổng cục Hải quan bồi thường thiệt hại cho Công ty Ngọc Hưng theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.

Phía đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng Công ty Ngọc Hưng đã làm giả toàn bộ hồ sơ xuất nhập khẩu đối với lô gỗ với khối lượng 535,8 m3. Bản án hình sự phúc thẩm số 187 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng giao Tổng cục Hải quan xử lý hành chính đối với vật chứng là số tiền 59.690.076.000 là đúng quy định pháp luật. Do hết thời hiệu xử phạt nên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu tang vật là đúng với quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia phiên tòa cũng có chung quan điểm và đưa ra nhiều bằng chứng đã được xem xét trong vụ án hình sự trước đó để khẳng định Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của hải quan như đã sử dụng 3 giấy kiểm dịch thực vật do Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu Densavanh (Lào) cấp cho Công ty Tâm Tâm và Công ty 407; vận đơn, hóa đơn vận tải đường bộ, phiếu đóng gói hàng, lý lịch gỗ mà Công ty Ngọc Hưng nộp kèm theo tờ khai nhập khẩu không phải bản chính do doanh nghiệp xuất khẩu ban hành... Từ đó, đề nghị hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định pháp luật không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng.

Hội đồng xét xử cũng nhận định Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của hải quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra Quyết định số 3241 là đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Từ đó, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/xet-xu-vu-an-cong-ty-ngoc-hung-kien-tong-cuc-truong-tong-cuc-hai-quan-bac-yeu-cau-cua-nguyen-don/179645.htm