Xét tuyển HS huyện nghèo vào ĐH: Lo tiêu cực

(Dân Việt) - Thay vì phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngày 15.3, học sinh thuộc 62 huyện nghèo có thể “thong thả” chờ nộp hồ sơ xét tuyển.

Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ GDĐT quyết định bỏ chính sách ưu tiên cộng điểm đối với học sinh dân tộc (Điều 33) thay vào đó là chế độ xét tuyển đối với học sinh 62 huyện nghèo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại tiêu cực như đã từng xảy ra với hệ cử tuyển.

Học sinh dân tộc ở 62 huyện nghèo sẽ không phải vất vả đi thi (ảnh minh họa).

Xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Năm nay, Bộ GDĐT quyết định bỏ Điều 33 – các quy định về cộng điểm đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, thay vào đó đối tượng được thu hẹp chỉ là học sinh có hộ khẩu thường trú tại 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, những học sinh này sẽ được các trường ĐH xét tuyển theo học bạ.

Sau khi nhập học, các em sẽ được học bổ sung kiến thức 1 năm tại trường, trước khi vào học chương trình ĐH chính quy. Theo ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), quy định này vừa tạo điều kiện cho học sinh vùng khó tiếp cận với các trường ĐH, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, vừa xóa bỏ được cơ chế “xin – cho” trong xét tuyển.

Quy định mới này tuy được ban hành khá muộn (đầu tháng 3.2012), nhưng học sinh các huyện nghèo đã ngay lập tức tiếp cận. Em Nông Thị Huyền (Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết: “Việc xét tuyển sẽ giúp gia đình em bớt lo việc phải khăn gói xuống Hà Nội đi thi. Bây giờ chỉ còn việc học để thi tốt nghiệp cho thật tốt và chờ hướng dẫn làm hồ sơ xét tuyển nữa thôi”.

Thầy Nguyễn Văn Hồi - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, Thanh Hóa cũng cho biết: “Thầy trò cũng đang rất sốt suột chờ thông báo cụ thể từ sở vì ngày 15.3 đã bắt đầu nộp hồ sơ tuyển sinh rồi mà các em chưa có thông tin gì”.

Cũng theo thầy Hồi, việc xét tuyển đối với học sinh vùng khó, học sinh dân tộc là rất nên làm để tạo điều kiện cho các em có thể vào ĐH, chứ thi ĐH như hàng năm thêm tốn kém, vất vả cho học sinh nghèo cùng gia đình mà kết quả cũng chẳng khả quan hơn.

Ngại đào tạo lại

Được đánh giá là khá “rộng rãi” nhưng việc miễn thi cho học sinh huyện nghèo lại khiến các chuyên gia giáo dục lo ngại sẽ xuất hiện tiêu cực trong xét tuyển qua học bạ và việc nhiều trường “top” trên thờ ơ với đối tượng này vì ngại phải… đào tạo lại.

Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ngoài công lập: “Học sinh thuộc 62 huyện nghèo chỉ chiếm khoảng 1/10 số lượng học sinh vùng dân tộc, nghèo khó cần được hỗ trợ. Chính vì vậy bỏ Điều 33 đã khiến đối tượng hỗ trợ bị thu hẹp rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xét tuyển học bạ cũng cần cân nhắc kỹ, tất nhiên tỷ lệ gian lận học lực theo học bạ là không cao, nhưng tiêu cực sẽ không tránh khỏi. Các trường cần có cơ chế chọn lọc thích hợp.

“Việc xét tuyển và đào tạo dự bị theo quy định mới này đang theo chu trình “ngược”, theo tôi, nên để cho các trường dân tộc nội trú và trường dự bị ĐH làm điều đó thì thích hợp hơn”.

Ông Nguyễn Xuân Nhĩ

Việc đào tạo 1 năm đối với một số trường có tỷ lệ học sinh 62 huyện nghèo nhiều thì không đáng ngại, còn đối với các trường chỉ có một vài em thì rất nan giải. Bộ nên có theo dõi thống kê số lượng sinh viên thuộc huyện nghèo của từng trường để có kế hoạch hỗ trợ các trường “gom” thí sinh lại để đào tạo cho đỡ tốn kém”.

Còn ông Nguyễn Tấn Vui – Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên cho biết: “Hàng năm, số lượng học sinh dân tộc đỗ vào trường theo Điều 33 chiếm khoảng 27%. Đối tượng ưu tiên xét tuyển thuộc 62 huyện nghèo sẽ thu hẹp hơn về nguồn tuyển khiến trường gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh.

Trên thực tế, đây cũng giống như hệ cao hơn của đào tạo cử tuyển, chất lượng học sinh sẽ thấp hơn. Trường vẫn muốn cho các em thử thách qua một kỳ thi, dù là điểm thấp hơn điểm sàn, nhưng sẽ chọn lọc hơn, chứ chỉ căn cứ xét tuyển theo học bạ thì không “chuẩn” lắm, dễ tiêu cực vì các trường có thể chạy điểm, làm đẹp học bạ. Trường đang nghiên cứu để có phương án xét tuyển phù hợp nhất”.

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/80341p1c28/xet-tuyen-hs-huyen-ngheo-vao-dh-lo-tieu-cuc.htm