Xét nghiệm để biết mình còn sống bao lâu - có nên tin?

Các nhà khoa học cảnh báo mọi người không nên tốn tiền cho các xét nghiệm di truyền để dự đoán tuổi thọ như tin đồn.

Ông Dana White, Chủ tịch Công ty giải trí võ thuật hỗn hợp Ultimate Fighting Championship (UFC) tại Mỹ, cách đây vài tuần đã gây xôn xao dư luận khi cho biết mình chỉ sống được 10,4 năm nữa, sau khi chi tiền để làm các xét nghiệm di truyền tốn kém.

Kết quả xét nghiệm cho thấy ông này có mức triglyceride cao đáng kể, dẫn đến nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc các vấn đề về tuyến tụy sau này.

Ông Dana White cho biết mình chỉ sống được 10,4 năm nữa sau khi chi tiền để làm các xét nghiệm di truyền tốn kém. Ảnh: Daily Mail

Sau khi có kết quả, ông White đã tham gia một chương trình giúp kéo dài tuổi thọ của Hệ thống Y tế 10x và kết quả là ông đã giảm được gần 14 kg.

Trang web của Hệ thống Y tế 10x giờ đây nổi bật với hình ảnh ông White trên trang chủ, cùng với dòng chữ "Hãy trải nghiệm chương trình xét nghiệm di truyền cùng Dana White".

Theo trang web này, "xét nghiệm di truyền mang tính cách mạng, cho phép bạn khám phá chính xác cách tối ưu hóa cơ thể để xây dựng các giải pháp tùy chỉnh dựa trên ADN của mình".

Trang web của Hệ thống Y tế 10x nổi bật với hình ảnh ông White trên trang chủ, cùng với dòng chữ "Hãy trải nghiệm chương trình xét nghiệm di truyền cùng Dana White". Ảnh: Daily Mail

Các xét nghiệm được thực hiện chỉ bằng máu và phết nước bọt bên trong má. Xét nghiệm này được miêu tả là đo những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể, hay còn gọi là telomere.

Một số nghiên cứu cho thấy những người có telomere ngắn hơn trong tế bào bạch cầu có nhiều khả năng mắc ung thư, bệnh tim và Alzheimer. Những cấu trúc này thường sẽ ngắn lại khi một người già đi, báo hiệu sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, TS Arthur Caplan, nhà đạo đức sinh học tại NYU Langone Health, nói rằng việc đưa ra thời gian cụ thể là 10,4 năm đối với ông White là vô trách nhiệm vì không ai có thể nói chính xác tương lai

Hơn nữa, kết quả này không đáng tin cậy đối với những người không cao tuổi hoặc mắc bệnh mạn tính nặng.

TS Hank Greely, một chuyên gia về di truyền học và đạo đức thần kinh tại Trường ĐH Stanford, đã so sánh những bài kiểm tra này với việc đọc chỉ tay và nói rằng chúng "gần như chắc chắn" là không chính xác.

Cả TS Caplan và TS Greely đều nghi ngờ về những kết quả cụ thể như dự đoán mà ông White nhận được.

TS Greely giải thích với The Daily Mail: "ADN có thể hoạt động trong một số trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn khi ai đó có nguy cơ mắc một căn bệnh chết người có tính di truyền cao như bệnh Huntington, thường xảy ra ở một độ tuổi nhất định. Nhưng những trường hợp đó rất hiếm".

TS Greely nói các bài kiểm tra có thể đưa ra xác suất về khả năng một người sống đến 70 tuổi nhưng không quá nhiều. Những loại xét nghiệm này vẫn chủ yếu dành cho người cao tuổi.

"Nói tóm lại, trừ khi đưa ra bằng chứng thuyết phục, tôi thực sự nghi ngờ rằng xét nghiệm ADN trong trường hợp này là vô giá trị" - TS Greely kết luận. Ông cũng tỏ ra nghi ngờ về Hệ thống Y tế 10x.

Hệ thống Y tế 10x đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Daily Mail.

Mỗi xét nghiệm di truyền của Hệ thống Y tế 10x có chi phí là 600 USD. Ảnh: Daily Mail

TS Caplan đồng ý rằng bất kỳ bài kiểm tra về thời gian sống nào cũng chỉ mang tính dự đoán chứ không nên đưa ra kết luận chắc chắn.

Ông lưu ý rằng các công ty bảo hiểm áp dụng hình thức này trong việc kiểm tra định kỳ đối với những người đăng ký.

Họ dựa vào thông tin về tiền sử gia đình và xem xét liệu một người có đang mắc các bệnh mạn tính như cholesterol cao hay huyết áp cao hay không chứ không phỏng đoán chính xác về thời gian sống của một người.

Đối với một người trẻ khỏe, không mắc bệnh mạn tính, TS Caplan không rõ làm thế nào những xét nghiệm này có thể đưa ra kết luận.

Khánh Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/xet-nghiem-de-biet-minh-con-song-bao-lau-co-nen-tin-20221004191009552.htm