Xét khách quan, thi công bằng

(HNM) - Ngày 21-6, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2012-2013 với sự tham gia của 80 nghìn HS lớp 9. Năm nay, Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10. Nội dung cuộc trao đổi dưới đây giữa PV Báo Hànôịmới với ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhằm giúp phụ huynh, HS hiểu rõ hơn về các quy định liên quan để có sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi quan trọng này.

Ôn tập tốt sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
sắp tới. Ảnh: Viết Thành

- Thưa ông, Hà Nội đang có những loại hình trường nào để phục vụ nhu cầu đa dạng của HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT?

- Năm học 2012-2013, HS tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học lên THPT thì tùy theo điều kiện, khả năng có thể lựa chọn một trong những hình thức như học chương trình THPT tại các lớp chuyên của trường chuyên, trường THPT công lập, THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên có tuyển hệ THPT; học chương trình giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và học trường trung cấp chuyên nghiệp. Các em có năng khiếu về TDTT có thể theo học tại Trường phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội…

- Việc tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường sẽ được tiến hành ra sao?

- Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Ngoài việc căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của HS ở 4 năm học lớp 6, 7, 8, 9 (được quy ra điểm), Sở GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung môn ngữ văn, toán cho HS dự tuyển vào lớp 10 không chuyên. Điểm xét tuyển là tổng điểm của ba thành phần: điểm THCS, điểm thi và điểm cộng thêm. Riêng HS dự tuyển vào lớp 10 chuyên, ngoài ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ còn phải thi thêm môn chuyên.

- Như vậy, một trong những thành phần quan trọng của điểm xét tuyển là điểm rèn luyện và học tập của HS ở 4 năm học cấp THCS. Khâu này được thực hiện thế nào để bảo đảm nghiêm túc và khách quan?

- Ngay đầu năm học, dữ liệu điểm của từng HS lớp 6, 7, 8, 9 được các trường cập nhật thường xuyên vào phần mềm dùng chung của ngành. Việc quản lý dữ liệu kết quả học tập và rèn luyện của HS được thực hiện với quy trình 7 bước chặt chẽ: Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tính điểm, sau đó HS, phụ huynh rà soát lại rồi các trường kiểm tra chéo, cuối cùng là sự giám sát nghiêm ngặt của phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT. Vì thế, rất khó xảy ra việc sửa chữa điểm. Cuối mỗi năm học, dữ liệu điểm được công khai tới toàn bộ HS, phụ huynh. Kết quả kiểm tra chéo của các cấp quản lý cho thấy việc quản lý điểm đã được thực hiện nghiêm túc, không có ý kiến thắc mắc.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ diễn ra vào ngày 21-6. Ảnh: Nhật Nam

- Vậy còn khâu tổ chức thi tuyển, thưa ông?

- Hà Nội bố trí 3.191 phòng thi tại 159 hội đồng coi thi (HĐCT). Báo cáo nhanh của 4 đoàn kiểm tra cho thấy công tác chuẩn bị tại các HĐCT đã hoàn tất. Kỳ thi năm nay, Sở tiếp tục yêu cầu chủ tịch HĐCT trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại các điểm thi, nếu bảo đảm mới quyết định nhận làm nơi tổ chức thi. Sở đã thành lập 13 đoàn đưa đề thi đến các HĐCT, 20 đoàn kiểm tra lưu động, 5 đoàn công tác bảo vệ đề và bài thi.

- Khâu coi thi được triển khai thế nào để bảo đảm công bằng cho mọi HS, thưa ông?

- Để giúp HS bình tĩnh dự thi, Sở yêu cầu giám thị coi thi không gây không khí căng thẳng trong phòng thi, giữ thái độ nhẹ nhàng, chu đáo khi hướng dẫn HS làm thủ tục dự thi và thường xuyên động viên HS làm bài. Để hạn chế tiêu cực, tại từng HĐCT, giám thị được phân công theo nguyên tắc bảo đảm tỷ lệ 50% số giám thị là giáo viên THCS không dạy ngữ văn, toán lớp 9 năm học 2012-2013, 50% là giáo viên THPT không dạy hai môn này.

- Theo quy định của Sở thì HS trong diện xét tuyển phải dự thi đủ số môn quy định. Vậy trong trường hợp đặc biệt (ốm hoặc có lý do khác), HS dự thi thiếu môn có cơ hội nào không, thưa ông?

- Như tôi đã nói, Hà Nội có nhiều loại hình trường để đáp ứng nhu cầu của mọi HS tốt nghiệp THCS. Nếu HS không dự thi đủ số môn quy định, các em có thể đăng ký dự tuyển vào lớp 10 học chương trình THPT hoặc chương trình bổ túc THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã. Các đơn vị này tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. Điểm xét tuyển là kết quả học tập và rèn luyện của HS ở cấp THCS. Ngoài ra, các em còn có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào 25 trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP có tuyển sinh HS tốt nghiệp THCS.

- Xin cảm ơn ông!

* HS được phép mang vào phòng thi:

Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, com-pa, ê-ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình (các vật dụng này không được gắn linh kiện điện tử); máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản; Átlát địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.
*HS chỉ được sử dụng giấy nháp, giấy thi do giám thị phát trong phòng thi.

* Một số mốc thời gian HS cần nhớ:

+ Ngày 18-6: HS đến trường THPT xem thông tin về danh sách dự thi, địa điểm thi.
+ Ngày 20-6: HS có mặt tại hội đồng thi trường THPT học nội quy, quy chế, xem số báo danh, phòng thi.
+ Ngày 21-6: HS dự thi theo lịch.
+ Ngày 10-7: Xem điểm xét tuyển tại trường THPT có nguyện vọng 1 và trường THPT có lớp chuyên.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/tuyen-sinh/550864/xet-khach-quan-thi-cong-bang.htm/