Xếp loại viên chức, xét thi đua khách quan sẽ tạo động lực cho giáo viên

Nếu mọi thứ được nhà trường làm công khai, minh bạch, công tâm và có những minh chứng cụ thể sẽ thuyết phục được tập thể sư phạm nhà trường.

Bài viết Điểm mới trong đánh giá viên chức, xét thi đua của giáo viên năm học 2023-2024 của tác giả Nguyễn Cao được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 01/4/2024 đã nhận được đông đảo bạn đọc quan tâm, chia sẻ trong những ngày vừa qua. Bởi, bài viết đã cung cấp một số thông tin về xếp loại viên chức và những điểm mới trong việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua đối với những viên chức ngành giáo dục trong các trường phổ thông ở năm học 2023-2024 này.

Việc đánh giá viên chức và xét thi đua có tác động rất lớn đến cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường vì công việc này là sự ghi nhận quá trình công tác, cống hiến của mỗi viên chức trong trong từng năm học. Vì thế, tính minh bạch, sự khách quan, công tâm phải được xem trọng thì công việc đánh giá, xếp loại, xét thi đua mới tạo được sự đồng thuận ở các nhà trường.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Xếp loại viên chức từ năm học 2023-2024 sẽ khó khăn hơn

Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi.

Theo đó, tỷ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng...”.

Trong khi, Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành đã hướng dẫn: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.

Điều này cho thấy từ năm học 2023-2024 này, việc đánh giá, xếp loại viên chức ở các trường học sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Thực tế, đánh giá quá trình công tác của cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường bao giờ cũng là một công việc khó khăn, nhạy cảm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của từng viên chức trong từng đơn vị.

Nếu nhìn nhận vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu của mỗi viên chức có thể ai cũng có thể đánh giá được chính xác. Tuy nhiên, vào các cuộc họp thì gần như rất ít viên chức dám nói thật, nhận xét thật về đồng nghiệp của mình.

Nếu nói cũng chỉ dừng lại ở những ưu điểm, những mặt mạnh và đề nghị xếp loại ở mức cao chứ không mấy ai dám đề nghị hạ loại viên chức đối với đồng nghiệp của mình.

Trong khi, theo các mức xếp loại viên chức những năm vừa qua có 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ. Trong 4 mức này, phần nhiều viên chức được xếp loại ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Rất hiếm cán bộ, giáo viên, nhân viên bị xếp ở mức Hoàn thành nhiệm vụ, hoặc Không hoàn thành nhiệm vụ- nếu như viên chức không để xảy ra những sự việc nghiêm trọng.

Đối với những trường hợp được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường là lãnh đạo nhà trường; một số tổ trưởng; một số vị đứng đầu đoàn thể và một số giáo viên đạt được những thành tích cao trong thi đua, các phong trào, hội thi của ngành.

Các bước xếp loại viên chức sẽ thực hiện theo trình tự: viên chức tự đánh giá; tổ chuyên môn đánh giá; nhà trường đánh giá. Nhưng, cái khó nhất của việc đánh giá, xếp loại viên chức là bước viên chức tự đánh giá.

Có những trường hợp làm việc rất hời hợt, còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng khi tự xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có trường hợp như quản lý nhà trường tự xếp loại ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng các bộ phận mình phụ trách không có những thành tích tiêu biểu, thậm chí có những hạn chế, sự cố xảy ra.

Một khi viên chức tự đánh giá như vậy sẽ rất khó cho tổ chuyên môn và nhà trường. Đối với trường hợp viên chức không đảm nhận chức vụ sẽ được tổ trưởng chuyên môn nhận xét, phân tích kĩ lưỡng. Nhưng, đối với trường hợp phó hiệu trưởng nhà trường, những chức danh đứng đầu đoàn thể nhiều khi cấp dưới rất ngại góp ý.

Hiệu trưởng là người đánh giá cuối cùng nhưng nhiều khi cũng vì những lí do tế nhị mà họ cũng không nêu rõ chính kiến của mình.

Vì thế, muốn đánh giá, xếp loại viên chức chính xác, không để lại những thị phi thì nhà trường phải có những tiêu chí rõ ràng cho từng nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Cuối năm, khi viên chức tự đánh giá sẽ căn cứ vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình để tự xếp loại.

Việc đánh giá, nhận xét từng viên chức ở các tổ chuyên môn tất nhiên tổ trưởng chuyên môn sẽ là người nắm rõ tổ viên của mình hơn ai hết. Vì thế, các thầy cô tổ trưởng phải có chính kiến rõ ràng. Tất nhiên, phải kèm theo những minh chứng, những số liệu cụ thể để giáo viên khi bị hạ xuống mức xếp loại so với bản tự đánh giá cũng phải tâm phục, khẩu phục.

Xét danh hiệu thi đua cho cá nhân ở năm học này có khó không?

Thông thường, việc xếp loại viên chức hoàn thiện sẽ xét danh hiệu thi đua cho cá nhân trong từng tập thể. Những viên chức được xếp loại viên chức Hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được xét đề nghị công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến.

Tiếp theo, trường sẽ xét 15% số cán bộ, giáo viên nhân viên đã đề nghị công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến là Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nếu như trước đây, tổ chuyên môn, nhà trường sẽ căn cứ vào số lượng sáng kiến kinh nghiệm để xét và đề nghị nhưng từ năm học này đã khác.

Cụ thể, theo Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 tại Điều 23 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cần các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Chính vì thế, để công tâm, khách quan thì Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường sẽ liệt kê những thành tích của những giáo viên đủ điều kiện để xét, đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Ai có nhiều thành tích hơn (chất lượng giảng dạy; tham gia các phong trào; hội thi; bồi dưỡng học sinh giỏi…), nhiệt tình hơn, cống hiến nhiều hơn sẽ được ưu tiên để lên trên. Tuần tự như vậy cho đến người cuối cùng.

Trước khi gửi danh sách lên cấp trên sẽ niêm yết công khai số lượng giáo viên được đề nghị khen thưởng ở các danh hiệu để tập thể sư phạm nhà trường biết. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có khiếu nại, thắc mắc thì chủ tịch hoặc các thành viên trong Hội đồng thi đua khen thưởng sẽ giải thích kĩ lưỡng.

Nếu mọi thứ được nhà trường làm công khai, minh bạch, công tâm và những minh chứng cụ thể sẽ thuyết phục được tập thể sư phạm nhà trường. Những cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được xét danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên sẽ xem đây là động lực phấn đấu ở các năm tiếp theo.

Những thầy cô, nhân viên nhà trường được xét, đề nghị ở các mức thấp hơn sẽ cố gắng phấn đấu ở các năm học sau. Từ đó, tạo được sự đồng thuận trong nhà trường và không có những thị phi xảy ra sau khi xét, đánh viên chức và xét, đề nghị công nhận danh hiệu thi đua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xep-loai-vien-chuc-xet-thi-dua-khach-quan-se-tao-dong-luc-cho-giao-vien-post241973.gd