Xem xét thủy điện ở Tây Nguyên: Bộ Công Thương sáng suốt?

Bộ Công Thương khẳng định, nếu các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ này sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch.

Xem xét thủy điện ảnh hưởng đến đất rừng

Thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã có văn bản 7164 gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận.

Theo đó Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh nêu trên khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan của Tỉnh và Chủ đầu tư các Dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ đã kết luận.

Đối với các Dự án thủy điện thuộc quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa nghiên cứu đầu tư, cần được tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh quy mô, sơ đồ khai thác để đánh giá cụ thể ảnh hưởng của dự án đến đất rừng, nếu có ảnh hưởng, yêu cầu không xem xét tiếp tục nghiên cứu, đầu tư.

Bộ Công Thương khẳng định, nếu các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ này sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch.

Đối với các Dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, nếu có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ Công Thương sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch.

Bộ Công Thương cho biết, đối với các Dự án thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, đề nghị UBND tỉnh tổng hợp danh sách các dự án này báo cáo Bộ Công Thương để yêu cầu dừng triển khai hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

“Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các Dự án thủy điện, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc xây dựng thủy điện để chặt phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép qua các tuyến đường thi công của các Dự án thủy điện”, Bộ Công Thương khẳng định.

Xây thủy điện trong khu bảo tồn: Không chỉ phá 25ha rừng

Bộ Công Thương sáng suốt

Thông báo trên của Bộ Công Thương được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia, các nhà khoa học lên tiếng bày tỏ lo ngại việc xây dựng các thủy điện sẽ phá hủy nhiều diện tích rừng quý hiếm ở Tây Nguyên nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT năm 2013 báo cáo Thủ tướng cho thấy, trong giai đoạn 2006 – 2012, có hơn 20.000 ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.

Tuy nhiên theo rà soát của Bộ Công Thương vào thời điểm đó, có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế. Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi.

Đặc biệt, tại các tỉnh Tây Nguyên, việc tàn phá rừng để xây dựng nhà máy thủy điện cũng khiến nhiều chuyên gia và các nhà quản lý lo ngại.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dừng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn để xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phôk, tỉnh Đắk Lắk.

Theo kế hoạch xây dựng thủy điện Đrăng Phôk, dự án sẽ chiếm 308,7 ha đất, trong đó có 295,4 ha đất Vườn Quốc gia Yok Đôn và 28,88 ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho rằng việc phá rừng để xây dựng các công trình thủy điện là một quyết định hết sức sai lầm.

TS Tứ khẳng định, các công trình thủy điện nhỏ trong các khu bảo tồn, khu rừng không có nhiều giá trị về kinh tế nhưng sức tàn phá và ảnh hưởng thì vô cùng lớn.

“Việc mất rừng, ngoài diện tích lấy đi làm đập, làm hồ, xây nhà máy sẽ phải làm đường vào, đường truyền tải. Việc có một công trình lớn trong khu rừng, khu bảo tồn, thì người ta quản lý những chỗ đó ra sao?. Rồi vấn đề khi xây dựng thủy điện ở rừng quốc gia thì nó sẽ tác động rất lớn đến thực vật, động vật ở trong đó, những cái sinh hoạt của các động vật như vậy”, TS Tứ lo ngại.

Theo vị chuyên gia, nhiều công trình thủy điện đã bắt buộc phải dừng lại do tác động đến tài nguyên thiên thiên nhiên và môi trường, hiệu quả kinh tế thấp vì thế chúng ta cần phải xem lại việc phá rừng để xây thủy điện.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/xem-xet-thuy-dien-o-tay-nguyen-bo-cong-thuong-sang-suot-3322950/