Xem xét, hỗ trợ ngư dân bị bắt giữ trên vùng ranh giới cho phép khai thác hải sản

Ngày 18/7/2023, tại buổi giao ban báo chí tháng 7/2023 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức, đồng chí Trần Khắc Thắng, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam và cơ quan chức năng đã thông tin về giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân trên tàu cá QNa 95005TS bị tàu nước ngoài bắt giữ trên vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển của Việt Nam.

Các ngư dân bị phía Malaysia bắt giữ. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Đã hơn 1 năm qua nhưng vụ việc tàu cá QNa95005TS bất ngờ bị tàu Malaysia bắt giữ với cáo buộc vi phạm luật thủy sản của Malaysia vào ngày 11/6/2022, dù các ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam được phép khai thác, vẫn còn nguyên tính thời sự.

Ngày 11/6/2022, tại quần đảo Trường Sa, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh cầm lái điều khiển con tàu QNa95005TS làm nghề câu mực tại tọa độ hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Thủy sản là “đang ở vùng ranh giới cho phép khai thác hải sản”. Ngư dân Nguyễn Văn Dứa, sinh năm 1970 nhớ lại, sau một đêm thả thúng đi câu, toàn bộ ngư dân trên tàu đang chìm vào giấc ngủ say thì bất ngờ bị tàu tuần tra của Malaysia ập đến cập mạn và sang khống chế thuyền trưởng và 41 thuyền viên, kéo tàu QNa95005TS đi 3 ngày đêm, cập vào địa danh Kota Kinabaolu, tỉnh Sabah, Malaysia vào ngày 14/6/2022.

Vụ việc tàu QNa95005TS bị phía Malaysia bắt giữ ở vùng biển giáp ranh không phải vụ việc riêng lẻ, bởi trong thời gian qua, có nhiều tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh phía Nam cũng bị phía Malaysia bắt giữ ở vùng biển này. Câu hỏi đặt ra là tàu cá QNa95005TS bị phía Malaysia bắt giữ đúng hay sai?

Ngày 23/6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam có văn bản số 1.400/SNN-PTNT-CCTS gửi Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam và nêu rõ, hoạt động của tàu cá QNa 95005 TS đều nằm trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển của Việt Nam. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ Ngoại giao về việc đề nghị hỗ trợ tàu cá số hiệu QNa95005TS của ngư dân tỉnh Quảng Nam bị Malaysia bắt giữ.

Theo tỉnh Quảng Nam, qua kiểm tra hệ thống giám sát tàu cá của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, từ ngày 25.4 đến ngày 11.6, tàu cá số hiệu QNa95005TS chủ yếu hoạt động ở vùng biển phía Nam - Tây Nam quần đảo Trường Sa. Lúc 9 giờ ngày 11/6, tàu ở vị trí 8 độ 14 phút vĩ Bắc – 115 độ 18 phút kinh Đông, cách đảo Công Đo (Trường Sa) khoảng 9 hải lý về phía Đông Nam thì bị Malaysia bắt giữ.

Qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu cá số hiệu QNa95005TS của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thì từ ngày 25/4 đến ngày 11/6, tàu cá số hiệu QNa95005-TS hoạt động nằm trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.

Từ trước đến nay, khi ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ thì gia đình họ chỉ biết trông chờ vào may mắn. Nhưng gia đình thuyền trưởng Trần Văn Mạnh quyết định sang tận Malaysia để tìm hiểu rõ sự việc, đồng thời tìm cách tiếp cận để hỗ trợ các ngư dân đang bị giam giữ. Các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và người nhà thuyền trưởng Mạnh đã trực tiếp tới nhà tù Sabah để hỗ trợ các ngư dân và đưa ra bằng chứng với nhà chức trách nước sở tại về việc tàu cá QNa95005TS không vi phạm luật pháp quốc tế nhưng bất thành.

Sau hơn 3 tháng bị bắt giữ ở Malaysia, ngày 23/9/2022, toàn bộ 37 ngư dân được trở về Việt Nam (5 ngư dân già yếu được về trước). Thuyền trưởng Trần Văn Mạnh cho biết, để về được Việt Nam, cá nhân anh phải đóng phạt cho phía Malaysia khoảng 5 tỉ đồng, chưa kể tiền vé máy bay về nước. Ngoài ra ông Mạnh còn mất trắng toàn bộ tàu, ngư cụ cùng hải sản đã đánh bắt được, tổng thiệt hại ước tính trên 17 tỷ đồng.

Ảnh chụp văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam trích xuất tọa độ tàu cá QNa95005TS, chứng minh không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Văn Chương

Từ đó đến nay, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh chạy vạy khắp nơi kêu cứu vì món nợ ngân hàng mỗi ngày một chồng chất. Sau khi trở về nước, ông Mạnh hy vọng vào "chiếc phao" đầu tiên là bảo hiểm thân vỏ tàu đã mua tại Công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, GIC đã có văn bản trả lời thẳng thừng rằng sẽ không bồi thường đối với tàu cá QNa95005TS. Công ty này đề cập lý do “trường hợp tàu bị cướp, bị bắt giữ tàu tại bất cứ nơi nào vì bất cứ lý do gì” thì nằm trong diện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo khoản 4, Điều 6, Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ đối với tàu cá ký hợp đồng với GIC.

Nguồn bù đắp trông chờ từ xin xóa nợ hoặc giảm lãi suất tiền vay từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank) và sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, đến thời điểm này, gia đình ông Mạnh và các thuyền viên nhận được là lời hứa xem xét.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối tổ chức cuộc họp với các thành phần: BĐBP Quảng Nam, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ tỉnh... để tìm cách tháo gỡ tốt nhất cho bà con trong lúc lâm nạn.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành có liên quan tiếp cận dự án hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân, do Hội Trăng lưỡi liềm đỏ hỗ trợ, thời gian dự kiến 24 tháng (từ ngày 1/4/2023 đến ngày 1/4/2025) với tổng kinh phí là 376.000 USD (ngân sách đối ứng là 76.000 USD).

Đối với khoản vay của chủ tàu tại Ngân hàng Sacombank là 2,5 tỷ đồng, ngân hàng đã có văn bản trả lời, không thể xóa nợ vay, nhưng giảm lãi suất 2% so với lãi suất đang áp dụng. Riêng GIC vẫn tiếp tục đưa ra ý kiến sẽ không bồi thường cho tàu cá QNa95005TS, nhưng trả lại số tiền bảo hiểm đã mua là hơn 29 triệu đồng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xem-xet-ho-tro-ngu-dan-bi-bat-giu-tren-vung-ranh-gioi-cho-phep-khai-thac-hai-san-post464222.html