Xem người ta đọc sách

1. Tại sân bay quốc tế Nội Bài một buổi xế trưa. Nhiều hành khách chờ chuyến bay ngồi uể oải nhìn đồng hồ. Một số người giết thời gian bằng cách xem tin tức, lướt Facebook hoặc chơi game trên điện thoại, máy tính bảng; một số khác tranh thủ chụp ảnh hay đi dạo loanh quanh... Chỉ có một thanh niên người nước ngoài vẫn chăm chú đọc sách. Anh mặc quần soọc, áo thun, vai đeo chiếc ba lô to, đích thị là một “Tây ba lô” rồi.

Nhiều người nước ngoài có thói quen đọc sách trong lúc chờ ở sân bay, nhà ga, trên xe buýt...

Khi lên máy bay, tôi ngồi cạnh một đôi vợ chồng, mà qua trò chuyện, tôi biết đến từ Bỉ. Hai người khi vừa đọc xong tạp chí Heritage song ngữ Việt - Anh có sẵn trên máy bay thì đổi qua đọc một cuốn sách bằng tiếng Đức. Trong khi đó, nhiều hành khách Việt Nam thì chơi game hoặc tranh thủ ngủ.

2. Một anh bạn của tôi được bạn bè gọi là “mọt sách” đúng nghĩa. Tôi có làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, cũng đã đọc không ít sách kinh điển nhưng phần lớn là đọc khi tra cứu, chứ không như anh.

Ngày cuối tuần, nếu rảnh rỗi, anh cứ toòng teng trên võng mà đọc, hết cuốn này đến cuốn khác, chỗ nào hay, cần lưu ý thì lấy bút chì đánh dấu hoặc ghi chú vào một cuốn sổ tay. Chừng nào tới giờ cơm thì các con gọi vào ăn. Bạn bè muốn rủ cà phê, cà pháo hoặc la đà chút thì các buổi tối trong tuần, còn cuối tuần anh dành cho sách và gia đình... Chúng tôi đều ngưỡng mộ anh!

Những người đọc sách mê đắm kiểu đó chắc không có nhiều!

3. Một đứa học trò của tôi có lần thú thật: “Nhờ thầy tặng cho những cuốn sách hay mà bây giờ con mới ham đọc sách. Hồi trước con chỉ đọc truyện tranh hoặc truyện ngôn tình thôi. Đọc xong thì quên...”. Đó có lẽ là tâm sự chung của nhiều bạn trẻ bây giờ, kể cả sinh viên. Nhưng cũng mừng, đó là tâm sự rất thật và có hướng khắc phục.

Có một dạo, qua báo chí, nhiều giảng viên phàn nàn rằng sinh viên chỉ đọc giáo trình mà không đọc thêm các tài liệu tham khảo, rằng đến gần kỳ thi thì các giáo trình bị mượn sạch, chứ trước đó ít người quan tâm. Rồi một số người lo lắng là văn hóa đọc theo đà này e là xuống cấp trầm trọng. Bây giờ, không biết tình hình có được khắc phục hơn hay không...

4. Hồi đầu năm học lớp 6, con gái tôi hào hứng nói về tủ sách của lớp. Cháu nói rằng, hễ bạn nào mang sách đã đọc rồi đến góp vào tủ sách thì được ưu tiên mượn sách về nhà, được biểu dương trước lớp, trước trường. Tôi rất vui với cách làm này của trường và giúp con tìm một số sách phù hợp với tuổi ô mai cho con. Nhưng chỉ qua nửa năm, hỏi lại thì góc đọc sách trên lớp của cháu gần như đã rã, bởi dù có một số bạn mang sách góp vào nhưng nhiều bạn mượn đọc mà không trả, làm mất, làm rách... do không được quản lý chặt. Số còn lại lèo tèo ít cuốn, rách bươm nên chẳng ai muốn đọc.

Như vậy, một cách làm hay để giúp học sinh năng đọc sách nhưng nếu không có biện pháp duy trì thì rồi cũng sẽ mất tác dụng. Liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến thói quen đọc sách hay văn hóa đọc của trẻ không? Tôi nghĩ là có tác động không ít. Thói quen đọc sách phải được hình thành cả từ phía gia đình và nhà trường. Trong gia đình, nếu cha mẹ không ham đọc sách, ít yêu thích sách, ít mua sách thì hẳn con cái khó mà yêu quý sách; trong nhà trường, giáo viên không gieo cho học sinh sự hào hứng với sách, không gợi mở được những điều hay từ sách... thì có lẽ thư viện chỉ để cho có và trẻ cũng không say mê với sách. Và, nếu từ nhỏ, trẻ không được bồi dưỡng lòng yêu đọc, không được dạy dỗ cách đọc, không được hướng dẫn cách tìm sách phù hợp... thì sau này chắc khó hình thành được thói quen đọc sách tốt.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154445/xem-nguoi-ta-doc-sach.html/