Xe tăng Ukraine chỉ là 'con hổ giấy' trước thiết giáp Nga?

Ukraine từng sản xuất ra những chiếc xe tăng hàng đầu thế giới, thế nhưng đến thời điểm hiện tại những chiếc xe tăng này vẫn chưa được một lần tham chiến.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Ukraine sáng ngày 24/2, các lực lượng Nga đã báo cáo việc vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Ukraine chỉ trong vòng 2-3 giờ, đánh chiếm nhiều căn cứ không quân và trung tâm dân cư, phá hủy 254 xe tăng Ukraine và các loại khác xe bọc thép.

Mặc dù Ukraine có trong biên chế khoảng 850 xe tăng trước khi xung đột bùng nổ, là một trong những lực lượng xe tăng lớn nhất châu Âu, nhưng với những chiếc T-64 và T-72A lỗi thời từ những năm 1970, khả năng sống sót của chúng trên chiến trường hiện đại vẫn là rất thấp.

Tuy nhiên, việc đánh giá trình độ công nghệ của Ukraine qua những chiếc xe tăng chủ lực T-64BV - loại xe tăng chủ lực của Ukraine và phiên bản T-64BM-1 được nâng cấp khiêm tốn là không chính xác. Ukraine đã có thể sản xuất ra những loại giáp tiên tiến cho xe tăng, nhưng chủ yếu chỉ để xuất khẩu.

Điều này là kết quả của chính sách quốc phòng Ukraine trong việc ưu tiên trang bị số lượng lớn xe tăng với chi phí hoạt động thấp và bỏ qua việc trang bị những mẫu xe tăng tiên tiến với chi phí hoạt động cao hơn, nhưng hiệu suất vượt trội.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng một trong những nhà máy sản xuất xe tăng lớn nhất thế giới, nhà máy Malyshev với công suất 800 xe tăng mỗi năm trong thời bình và có thể tăng lên con số rất cao trong thời chiến.

Đáng chú ý, nhà máy Malyshev đã sản xuất một trong những loại xe tăng tiên tiến nhất của Liên Xô là T-80UD, được đánh giá là biến thể xe tăng chủ lực T-80 hiệu quả về chi phí nhất với việc sử dụng động cơ diesel thay vì động cơ tuabin khí, khiến nó rẻ hơn nhiều cả khi sản xuất và vận hành.

T-80UD được hưởng lợi từ giáp phản ứng nổ Kontakt-5 và giáp cơ bản, được các chuyên gia đánh giá là mạnh hơn đáng kể so với giáp phản ứng nổ Kontakt-1 cũ hơn nhiều, đang được quân đội Ukraine trang bị trên xe tăng T-64 và T-72.

Sự suy giảm mạnh của nền kinh tế Ukraine đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất xe tăng của nước này. Ngoài sản xuất để đáp ứng một đơn đặt hàng duy nhất từ Pakistan vào giữa những năm 1990, thì nhà máy Malyshev chỉ sản xuất một sản lượng không đáng kể với rất ít đơn đặt hàng từ nội địa cho xe tăng hiện đại.

Ukraine không chỉ hạn chế sản xuất xe tăng T-80 cho các lực lượng vũ trang của mình, mà còn loại bỏ dần những chiếc T-80 có trong biên chế do chi phí vận hành cao hơn, thông qua việc xuất khẩu một phần số xe tăng T-80 mà nước này đã kế thừa từ Liên Xô.

Một phiên bản hiện đại hơn của T-80UD là T-84BM Oplot, có một số tính năng hiện đại nhưng đáng chú ý là quân đội Ukraine đã không mua loại xe tăng này. Mẫu xe tăng T-84 đầu tiên ra mắt vào năm 1994 nhưng chỉ được sản xuất nối tiếp vào những năm 2010 để xuất khẩu cho quân đội Thái Lan.

Nhưng Ukraine đã không thể hoàn thành dù chỉ một đơn đặt hàng rất nhỏ của Thái Lan với 49 xe tăng dẫn đến sự chậm trễ kéo dài nhiều năm và các báo cáo của Thái Lan về chất lượng xe có vấn đề. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu thêm T-84 hay bất kỳ chiếc xe tăng nào mới được chế tạo của Ukraine là điều rất khó khăn.

Mất bảy năm để các xe tăng được chuyển giao cho Thái Lan, nghĩa là Malyshev có sản lượng trung bình chỉ bảy chiếc mỗi năm. Nhà máy Malyshev đã xuống cấp đáng kể vào thời điểm bắt đầu sản xuất cho Thái Lan.

Ukraine cũng xuất khẩu xe tăng cũ sang châu Phi, đặc biệt là T-72 cho Nam Sudan và T-64 cho Congo, những chiếc xe tăng này bị đánh giá kém hơn so với xe tăng Type 96 của Sudan do Trung Quốc cung cấp.

Cuối cùng, ngay cả khi T-84 hoặc T-80UD được đưa ra chiến trường thì những chiếc xe tăng này cũng khó có thể thách thức được các loại giáp trên xe tăng Nga. Mặc dù kế thừa công nghệ giáp mạnh mẽ từ thời Liên Xô, nhưng lớp giáp phản ứng nổ và đặc biệt là vũ khí của xe tăng Ukraine đã rất lỗi thời sau hơn 30 năm.

Ukraine cũng không phát triển được loại đạn xuyên giáp hiện đại, vì vậy sẽ không đủ sức để xuyên thủng ngay cả lớp giáp cơ bản của xe tăng Nga, chứ chưa nói đến những lớp giáp tiên tiến hơn như giáp phản ứng nổ Kontakt-5 hoặc Relikt.

T-72B3 - loại xe tăng được sử dụng rộng rãi nhất của Nga, có giáp phía trước là 550 mm. Ngược lại, đạn APFSDS hiện đại được sử dụng trên xe tăng Nga có sức xuyên 740mm, kết hợp với lớp giáp vượt trội sẽ mang lại lợi thế to lớn trước các xe tăng hiện đại nhất của Ukraine.

Xe tăng T-72 của Nga có khả năng triển khai đạn xuyên 1.000mm ở phạm vi chiến đấu tiêu chuẩn. Không có xe tăng T-84 hay T-80UD trong biên chế Ukraine, vì vậy lợi thế về thiết giáp của Nga vượt trội hơn rất nhiều trên chiến trường trong cuộc xung đột hiện tại.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-ukraine-chi-la-con-ho-giay-truoc-thiet-giap-nga-1670024.html