Xe quá tải, quá khổ lén lút hoạt động trở lại

Sau khi lực lượng cảnh sát giao thông rút khỏi các trạm cân lưu động, việc kiểm soát tải trọng xe của thanh tra giao thông ở các địa phương gặp khó khăn hơn. Trên nhiều tuyến đường, xe quá tải lại tiếp tục hoạt động lén lút.

Trên tuyến đê hữu sông Cầu, chạy qua huyện Yên Phong (Bắc Ninh), cuối tháng 4-2017, nhiều xe “hổ vồ” rầm rập chạy vào các bãi cát ven đê hữu sông Cầu, bốc đầy ắp cát lên xe, rồi ngang nhiên chạy lên mặt đê, mà không gặp bất kỳ một sự kiểm tra nào về việc chở cát quá tải trọng. Trên các tuyến tỉnh lộ 295, 295B, đường 287 nối thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du với quốc lộ 38, hoặc một số tuyến đường khác của tỉnh Bắc Ninh cũng có tình trạng tương tự.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Ninh vẫn triển khai đều đặn hoạt động của trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động trên quốc lộ 18, 38, tuyến đường ra vào Khu công nghiệp Quế Võ III. Thanh tra Sở GTVT Bắc Ninh còn bố trí ba bộ cân xách tay phục vụ công tác kiểm soát tải trọng trên các tuyến tỉnh lộ, đường ủy thác, đường đô thị, kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý ô-tô chở quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, lại thiếu sự phối hợp hỗ trợ của cảnh sát giao thông, cho nên thanh tra giao thông tỉnh Bắc Ninh gặp rất nhiều khó khăn trong việc dừng xe kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, dẫn đến kết quả xử lý còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng xe vi phạm hiện nay.

Tìm hiểu ở tỉnh Hà Giang, chúng tôi được biết: Đường ĐT176 chạy qua các huyện Yên Minh, Mèo Vạc và tuyến quốc lộ 4C ở tỉnh Hà Giang rất hẹp, có nhiều đèo dốc nguy hiểm. Nhưng nhiều ô-tô chở quá tải, như xe 23C-03291, xe 23C-03479... chạy rất nhanh; có xe chở nặng hơn 20 tấn không dám đi sát phía ta-luy âm đành chiếm phần đường với các xe đi ngược chiều; có xe đã va chạm với xe khách, khiến nhiều du khách rất lo sợ...

Một số bạn đọc ở Ninh Bình phản ánh: Tuyến quốc lộ 12B chạy qua xã Yên Sơn, TP Tam Điệp và xã Sơn Hà, huyện Nho Quan đều thuộc tỉnh Ninh Bình, hiện có một số doanh nghiệp bố trí hàng chục xe tải chở đất, đá chạy rầm rập. Điều đó khiến mặt quốc lộ 12B bị cày xới thành ổ gà, ổ voi, mù mịt bụi bẩn, trời mưa nhiều đoạn lầy lội, như đoạn Km 3+448, hoặc đoạn qua xã Yên Sơn, TP Tam Điệp... Tại nhiều địa phương khác, như Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam..., ô-tô chở quá tải trọng, xe cơi nới thành, thùng chở nguyên vật liệu vẫn hoạt động bất kể ngày đêm.

Bạn đọc Nguyễn Văn Lệnh ở phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc nói: “Cách đây chưa lâu, ngành GTVT tự tin khẳng định đã kiểm soát hơn 85% số lượng xe quá tải. Con số còn lại phải kiểm soát là rất ít, nhưng không hiểu vì sao đến nay không thực hiện được. Phải chăng, việc xử lý các xe quá tải chưa được các địa phương và ngành chức năng làm hết trách nhiệm?”. Do vậy, các vi phạm về tải trọng mới có cơ hội tái diễn. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng còn xảy ra. Hiện tượng xe quá tải, quá khổ tiếp tục xuất hiện, nhất là tỉnh lộ, các tuyến giao thông gần bến bãi, kho cảng tập kết hàng hóa, các khu vực mỏ vật liệu xây dựng, mỏ than, mỏ đất... gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Chỉ thị 32/CT-TTg, ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm kiểm soát tải trọng phương tiện xe ô-tô đã được giao cho các bộ, ngành chức năng như Bộ GTVT, Công an, chính quyền các địa phương; chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn. Đã qua hơn bốn tháng đầu năm 2017, xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành, thùng chẳng những không được kiểm soát mà còn có biểu hiện “nóng” trở lại. Rõ ràng, Chỉ thị 32/CT-TTg chưa “thấm” tới các địa phương. Nếu các địa phương không quyết liệt chống xe quá tải, thì kết quả hơn bốn năm kiểm soát tải trọng phương tiện với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành chức năng và của chính quyền các địa phương sẽ trở về con số không. Cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục bị tàn phá, tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng là điều khó tránh khỏi.

Để chấm dứt tình trạng xe ô-tô chở quá khổ, quá tải tham gia giao thông, các địa phương khẩn trương chỉ đạo Sở GTVT tổ chức lại hoạt động của các trạm cân lưu động; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường phối hợp tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng; kiên quyết xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện. Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo kế hoạch đối với hoạt động kiểm soát tải trọng, làm rõ các hành vi bao che của lực lượng chức năng, mới mong chấm dứt được tình trạng này.

“Duy trì sự phối hợp liên ngành giữa thanh tra giao thông với cảnh sát giao thông là giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xe quá tải, quá khổ. Không có sự phối hợp đó, thì hoạt động kiểm soát tải trọng xe của thanh tra giao thông không hiệu quả, do nhiều lái xe, chủ xe bất hợp tác”.

CHU VĂN ĐỊNH (Chánh Thanh tra, Sở GTVT Bắc Ninh)

“Các địa phương cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm về tải trọng phương tiện; có phân công rõ trách nhiệm cá nhân kiểm soát tải trọng phương tiện, mới xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu để xe quá tải, quá khổ hoạt động”.

LÊ NAM (phường Vân Giang, Ninh Bình)

“Cần công khai số điện thoại đường dây nóng của cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông để người dân có điều kiện tham gia giám sát xe quá tải, quá khổ...”.

NGUYỄN THU (xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, Nam Định)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/32858602-xe-qua-tai-qua-kho-len-lut-hoat-dong-tro-lai.html