Xe 'máy chém' ngang nhiên và thách thức nhất, vì sao vẫn được làm ngơ?

Nếu xe máy, ô tô vi phạm cố rón rén, 'thu mình' nhưng vẫn dễ dàng bị CSGT phát hiện, xử phạt thì xe tự chế chở tôn, sắt kềnh càng có khả năng 'về đích' trót lọt cao.

Liên quan đến xe tự chế, xe ba bánh, xích lô… chở vật liệu cồng kềnh, sắc nhọn gây nguy hiểm cho người đi đường, các lực lượng chức năng đã tổ chức rất nhiều đợt ra quân, các chiến dịch cao điểm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài những chiến dịch xử lý các phương tiện giao thông nói chung, có nhiều đợt tập trung vào loại xe này, bao gồm cả các đợt ra quân sau khi có tai nạn thảm khốc khiến dư luận bức xúc.

Nhiều năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát vẫn được tiến hành đều đặn như thế. Có điều, các ca tai nạn chết người do xe tự chế chở tôn, sắt cồng kềnh cũng đều đặn xuất hiện suốt bao nhiêu năm.

Chẳng phải các đợt ra quân không hiệu quả, mà chính là khoảng thời gian giữa những đợt cao điểm, tăng cường ấy, loại xe “cà khổ” nói trên ít được chú ý hơn các phương tiện khác.

Những thanh sắt này rất dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. (Ảnh: Viên Minh)

Những người điều khiển xe máy, ô tô đều nhận thấy rất khó “qua mặt” cảnh sát giao thông (CSGT) khi có vi phạm, dù là lỗi nhỏ. Con mắt nghiệp vụ tinh tường của lực lượng chức năng sẽ dễ dàng nhận ra chiếc xe máy đè vạch hoặc không có gương giữa bạt ngàn xe cộ, nhận ra chiếc ô tô hết hạn đăng kiểm từ xa… Các tài xế mắc lỗi dù cố gắng “thu mình”, rón rén di chuyển hay “núp bóng” các xe khác thì vẫn khó thoát khỏi bị CSGT giữ lại và lập biên bản.

Thế nhưng nhiều chiếc xe tự chế chở tôn kềnh càng và chậm rãi lại “đi đến nơi về đến chốn” mà không ai hỏi đến. Vì thế mà chúng cả gan tiếp tục xuất hiện trên đường. Chắc rằng những chiếc xe gây ra cái chết thảm khốc do tôn cứa đứt cổ, sắt đâm xuyên người… trước đó đã thực hiện trót lọt rất nhiều chuyến đi trái pháp luật.

“Xe 3 bánh chở tôn, sắt cồng kềnh đâu phải cây kim, sao dễ ‘lọt lưới’ đến thế?”, một cư dân mạng đặt câu hỏi như vậy khi bàn về sự lộng hành của loại “xe máy chém” này, và nhiều người khác nói rằng đó cũng là băn khoăn của họ.

Ngày 16/1, phóng viên VTC News theo chân tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý các xe thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh. Tại một địa điểm, chỉ trong vòng hơn 40 phút đã có 3-4 trường hợp vi phạm bị lập biên bản. Điều đó cho thấy 2 điều: Loại vi phạm này phổ biến, và nó dễ bị phát hiện. Vấn đề là, chúng ta có thể duy trì được sự kiểm soát nghiêm mật này thường xuyên hay không.

Người dân rất hoan nghênh mỗi lần thấy các cán bộ, chiến sỹ CSGT ra quân tăng cường kiểm tra, xử lý xe tự chế, xe ba bánh… chở vật liệu sắc nhọn, cồng kềnh. Đó luôn luôn là hành động cần thiết. Nhưng để đường phố không còn “xe máy chém” khiến người dân ớn lạnh, việc kiểm soát loại vi phạm này không thể được buông lỏng sau các chiến dịch. Nói cách khác là ngoài thời gian cao điểm, không có khoảng thời gian nào được coi là thấp điểm.

Phải hoàn toàn triệt tiêu tâm lý của tài xế rằng công an chỉ “ưu tiên soi” ô tô, xe máy và sẽ thông cảm, bỏ qua cho những người vất vả mưu sinh như mình, tâm lý coi loại “xe nhà nghèo” mà mình đang điều khiển là một kiểu ngoại lệ trong việc kiểm tra, xử lý. Muốn vậy, CSGT cần cứng rắn, nghiêm khắc trong mọi trường hợp vi phạm được phát hiện.

Không tài xế ô tô nào dại tự cầm lái sau khi uống rượu nếu biết lỗi này khó tránh khỏi con mắt tinh tường của CSGT, biết mình chắc chắn bị phạt số tiền lớn và giữ bằng lái. Nếu tài xế xe tự chế cũng “không có cửa” xin thoát án phạt, họ sẽ không dại gì nhận chở những bó sắt nhọn dài thượt, những tấm tôn sắc lẹm khổng lồ. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân một phần được tạo nên, củng cố bằng sự cứng rắn của những người thực thi luật pháp.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Quang Hưởng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/xe-may-chem-ngang-nhien-va-thach-thuc-nhat-vi-sao-van-duoc-lam-ngo-ar848380.html