Xe Curiosity phát hiện bằng chứng hồ nước thời cổ đại trên Sao Hỏa

Xe tự hành Curiosity. Nguồn: Reuters

* Phát hiện một hành tinh kỳ lạ ngoài sự tưởng tượng thông thường

Xe tự hành Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) thám hiểm Sao Hỏa đã tìm thấy những tảng đá có các vết gợn sóng trên bề mặt - bằng chứng về một hồ nước cổ đại - tại một khu vực của hành tinh được cho là khô cạn. Thông tin này được NASA thông báo ngày 9/2.

Nhà khoa học Ashwin Vasavada thuộc dự án xe tự hành Curiosity tại Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA ở California cho biết: "Đây là bằng chứng rõ nhất về nước và sóng mà chúng tôi ghi nhận được trong toàn bộ sứ mệnh".

Xe tự hành Curiosity thám hiểu Sao Hỏa từ năm 2012, đã truyền về các bức ảnh ấn tượng chụp các gợn sóng trên bề mặt của các tảng đá do các đợt sóng của một hồ nước nông gây ra hàng tỉ năm trước.

Trước đây xe tự hành Curiosity đã tìm thấy bằng chứng các hồ nước từng tồn tại ở nhiều khu vực trên Sao Hỏa là muối khoáng còn lại sau khi các hồ này bị khô cạn.

Tuy nhiên các nhà khoa học của NASA bất ngờ khi tìm thấy bằng chứng rõ ràng như vậy về sự tồn tại của nước ở miệng núi lửa Gale mà xe tự hành Curiosity đang thám hiểm vì khu vực này có thể được hình thành vào thời điểm Sao Hỏa đang trở nên khô cạn hơn.

Curiosity đang thám hiểm những đồi thấp dưới chân một ngọn núi cao 5 km gọi là Núi Sharp. NASA cho biết xe tự hành này cũng phát hiện các đống đổ nát trong một thung lũng bị bùn lở cuốn qua trên Núi Sharp. Ông Vasavada cho biết bùn lở này có thể là bằng chứng mới nhất về nước được ghi nhận. Nó sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu các địa tầng cao hơn không tiếp cận được trên Núi Sharp.

NASA cho biết Núi Sharp, với các địa tầng già nhất ở đáy và các địa tầng trẻ nhất ở đỉnh, cung cấp cho các nhà khoa học một "trình tự thời gian trên Sao Hỏa" để nghiên cứu cách thức Sao Hỏa biến đổi từ một hành tinh giống Trái Đất hơn trong quá khứ cổ đại, với khí hậu ấm hơn và nhiều nước, thành một hoang mạc lạnh giá như ngày nay.

Một xe tự hành khác thám hiểm Sao Hỏa là Perseverance đã đáp xuống hành tinh Đỏ vào tháng 2/2021 để tìm dấu vết của vi khuẩn trong quá khứ. Xe tự hành đa nhiệm này sẽ thu thập 30 mẫu đất và đá đem về Trái Đất vào khoảng thập niên 2030 để phân tích trong phòng thí nghiệm.

* Hãy tưởng tượng về một hành tinh xa xôi nơi sự sống hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng chỉ một nửa thiên thể này có ánh sáng. Đó là những gì đang xảy ra trên một hành tinh ở ngoài Thái dương hệ của chúng ta, có tên là Wolf 1069 b. Theo phát hiện mới được nhóm các nhà khoa học ở Mỹ công bố gần đây trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, ngoại hành tinh mới đang thu hút rất nhiều sự chú ý vì những lý do dưới đây.

Hình ảnh mô phỏng về hành tinh Wolf 1069 b. Nguồn: Mashable

Thứ nhất, Wolf 1069 b có cùng khối lượng với Trái đất và điều này là cực kì hiếm gặp. Theo Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, trong số hàng nghìn ngoại hành tinh đã được tìm thấy và xác nhận sự tồn tại cho tới nay, "chỉ khoảng 1,5% trong số chúng thuộc nhóm có khối lượng bằng hai lần Trái đất trở xuống".

Điều quan trọng là chúng ta biết rằng các thiên thể với cấu trúc tương tự Trái đất có khả năng tạo ra những điều kiện cho phép sự sống tồn tại.

Thậm chí Wolf 1069 b còn đặc biệt hơn khi quỹ đạo của nó nằm ở “vùng có thể sinh sống được” - ở một vị trí lý tưởng so với ngôi sao của nó, nơi mà nước lỏng có thể tồn tại được trên bề mặt hành tình này.

Theo hiểu biết hiện tại của các nhà nghiên cứu, Wolf 1069 b không bị ảnh hưởng quá nhiều với các bức xạ có hại. Ngoại hành tinh này quay quanh một ngôi sao (mang tên Wolf 1069) nhỏ hơn và mát hơn Mặt trời, của chúng ta.

Đặc điểm này cho phép ngoại hành tinh quay quanh quỹ đạo khá gần so với ngôi sao Wolf 1069, nhưng vẫn có thể hỗ trợ sự sống. Wolf 1069 b mất khoảng 15,6 ngày để quay hết một vòng quanh ngôi sao của nó. Tức là một năm trên hành tinh này chỉ dài vỏn vẹn 16 ngày.

Có một điều kỳ lạ xảy ra trên Wolf 1069 b. Giống như Mặt trăng của chúng ta, Wolf 1069 b cũng bị "khóa thủy triều" trong quỹ đạo hiện nay. Nghĩa là một mặt của hành tinh này liên tục tiếp xúc với ngôi sao của nó và mặt còn lại thì không. Kết quả là một nửa của Wolf 1069 b sẽ nằm trong bóng tối hoàn toàn, trong khi phần còn lại vĩnh viễn có ánh sáng.

Tuy nhiên, cho tới nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy trong vũ trụ có sự sống, ngoài Trái đất, dù nhân loại đã phát hiện rất nhiều ngoại hành tinh chứa tiềm năng hỗ trợ sự sống.

“Một hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống, nhưng lại hoàn toàn không có sự sống”, Ravi Kumar Kopparapu, nhà nghiên cứu ngoại hành tinh tại Trung tâm Chuyến bay vào không gian Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhận xét về các hành tinh như thế trong cuộc trò chuyện với Mashable hồi đầu năm nay.

Việc tìm ra được môt hành tinh với kích cỡ bằng Trái đất là một thử thách cực kỳ lớn. Nhiều ngoại hành tinh đã được tìm thấy bằng cách quan sát xem liệu một ngôi sao có bị mờ đi khi một trong những hành tinh này đi qua phía trước nó hay không. Tuy nhiên, đa phần ngoại hành tinh được phát hiện cho đến nay đều lớn hơn nhiều so với Trái đất của chúng ta, nên việc tìm ra chúng khá dễ dàng.

Các nhà khoa học đã sử dụng một chiến lược khác để tìm ra được Wolf 1069 b, một hành tinh với kích thước nhỏ hơn nhiều. Họ tìm kiếm những thay đổi rất nhỏ, nhưng đều đặn, trong ánh sáng phát ra từ ngôi sao, thông qua một kỹ thuật được gọi là “vận tốc xuyên tâm".

Phương pháp này này có thể cung cấp bằng chứng cho thấy có một hành tinh đang quay quanh ngôi sao hay không. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tính toán khối lượng của hành tinh mới được phát hiện này và nhiều thông tin khác, bằng cách đo mức độ thay đổi ánh sáng của ngôi sao.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/293237/xe-curiosity-phat-hien-bang-chung-ho-nuoc-thoi-co-dai-tren-sao-hoa.html