Xây 'hệ miễn dịch' bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.

Mạng ảo nhưng tổn thương thật

Mạng xã hội hay còn được gọi là thế giới ảo đang là món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận không nhỏ người dân trong thời đại số. Nhiều người dành gần như toàn bộ thời gian “sống” trên thế giới ảo. Sự phát triển của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi cho nhân loại, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

Điều đáng nói, tình trạng phụ huynh thường xuyên đưa thông tin gia đình, hình ảnh con cái lên mạng xã hội, trong khi không che đậy thông tin của con đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không ít trường hợp trẻ bị bắt nạt trên không gian mạng, gây tổn thương tâm lý cho trẻ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến trầm cảm hoặc có ý định tự tự.

Những bình luận tiêu cực hướng về bé gái mặc trong clip "Em bé mặc đồ thỏ hồng" trên TikTok.

Mới đây, vụ việc một tài khoản TikTok đăng clip con gái mặc bộ đồ thỏ trắng cùng với hoạt động dễ thương trong trung tâm thương mại đã thu hút hơn 6 triệu triệu lượt xem cùng với 80.000 lượt bình luận. Bên cạnh những bình luận bày tỏ sự yêu thích với cô bé, thì xuất hiện rất nhiều bình luận “game is game” khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ khi biết được ý nghĩa của nó. Nội dung câu bình luận tiếng Anh này mang hàm ý nhạy cảm, tiêu cực và ám chỉ sự xâm hại trẻ em. Chính vì thế nên cộng đồng mạng liên tục bày tỏ sự tức giận, phản đối và lên án những kẻ đăng câu nói độc hại này lên video em bé mặc đồ thỏ.

Trước đó, trường hợp của mẹ người mẫu nhí Cherry An Nhiên cũng đã gặp tình huống tương tự, khi chia sẻ cuộc sống thường nhật của con trên mạng xã hội. Nhiều người đã chê trách mẹ bé sử dụng hình ảnh, tên tuổi của con để nuôi sống, hưởng thụ cuộc sống xa hoa của mình. Cho đến khi, các bình luận ngày càng xoáy sâu vào đời tư cũng như gây tổn thương cho con của mình thì mẹ bé Cherry đã lên tiếng phân trần, giải thích cho cộng đồng mạng để mong hai mẹ con được bình yên.

Là phụ huynh có con theo thiên hướng nghệ thuật, khi xem video và đọc các dòng bình luận ác ý nhắm vào trẻ em trên mạng xã hội, chị Nguyễn Hồng Linh sống tại Hà Nội không khỏi tức giận, kèm theo lo lắng: “Tôi thật sự thấy lo lắng khi cho con mình tham gia mạng xã hội. Vì nhiều người cậy tự do ngôn luận mà đi quá giới hạn, làm tổn hại tới tinh thần của trẻ nhỏ. Mặc dù mạng xã hội chỉ là thế giới ảo, nhưng những tổn thương là có thật. Tôi mong các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook,.. cần thêm điều khoản về quyền lợi bảo vệ trẻ em. Bởi bất kì trẻ nào cũng sẽ dễ dàng là nạn nhân của những câu từ bạo lực, ác ý” – chị Linh nêu ý kiến.

Theo thống kê của UNICEP, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Năm 2022, trong một nghiên cứu của mình, UNICEF đã tiến hành khảo sát với 994 trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi, kết quả cho thấy, có tới 2% trẻ đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn, 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã, 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Không chỉ vậy, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cũng chỉ ra cụ thể trong một dự án của họ rằng, gần 36.5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.

Tạo “lá chắn” an toàn từ chính gia đình

Hiện nay, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ trên không gian mạng đã có và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể, Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”…

Cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn lọc thông tin trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển mạnh kéo theo đó là những hệ lụy khó lường khi an ninh mạng vẫn còn chưa cập nhật đầy đủ quyền bảo vệ trẻ em trên không gian mạng xã hội. Vì thế, quy định về quyền trẻ em cần được Pháp luật bổ sung đầy đủ chi tiết hơn, cung cấp hướng dẫn cần thiết đi kèm chế tài xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, việc trẻ em sẽ không thể được bảo vệ tốt trên môi trường mạng nếu người lớn chưa ý thức được đây là một vấn đề hệ trọng.

Do đó, cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia mạng xã hội. Nhà trường, phụ huynh cũng cần để ý theo dõi và trang bị cho học sinh, con em mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Chia sẻ giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh cho rằng, trước hết cần tạo lá chắn từ chính gia đình. Cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn lọc thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, đưa ra các quy tắc khi trẻ sử dụng internet, hướng dẫn trẻ nâng cao cảnh giác với bất cứ thông tin nào trên mạng… Đặc biệt, cân nhắc đưa thông tin, hình ảnh của con lên mạng xã hội. Hãy là luôn là những bậc cha mẹ thông thái khi sử dụng công nghệ thông minh, để trẻ em luôn được an toàn trong thế giới hiện đại ngày hôm nay.

Thúy Quỳnh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-he-mien-dich-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang.html