Xây dựng vườn ươm gắn với phát triển cây trồng đặc trưng

BHG - Huyện Bắc Mê đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng mới 3.050 ha rừng kinh tế; 150 ha cây Hồi, nâng tổng diện tích cây Hồi đến năm 2025 đạt 415 ha; 300 ha cây Quế, đồng thời thực hiện thí điểm việc liên kết trồng Quế với mật độ từ 5.000 - 10.000 cây/ha để chiết xuất tinh dầu. Qua đó, huyện triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc phát triển cây trồng, đặc biệt chú trọng hình thành các vườn ươm nhằm chủ động nguồn giống gắn với phát triển cây trồng đặc trưng của huyện.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Mê kiểm tra chất lượng các vườn ươm cây Hồi trước khi xuất bán.

Đồng chí Lý Hải Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đã triển khai các giải pháp, như: Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng khuyến nông từ huyện đến thôn bản trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, quản lý tốt diện tích rừng trồng; bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các ngành nghề về trồng rừng, dược liệu tại các xã, thị trấn... Tạo cơ sở giúp người dân nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, bổ sung kiến thức, quy trình kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, áp dụng vào sản xuất thực tiễn. Ban hành Phương án xây dựng vườn ươm, giao cho Phòng Nông nghiệp, phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ chuẩn bị điều kiện về đất đai, vật tư theo nội dung phương án; đồng thời tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các hộ thực hiện gieo ươm, mua hạt giống tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh đưa vào sản xuất”.

Với những nỗ lực đó, năm 2022 huyện hoàn thành xây dựng 10 vườn tại các xã: Yên Cường, Đường Âm, Đường Hồng, Yên Phong, Lạc Nông, Phú Nam, Minh Sơn, thị trấn Yên Phú. Trong 2 năm các hộ đã tổ chức gieo ươm và xuất được 118 vạn cây, cụ thể: Năm 2021 xuất bán được 35,2 vạn cây cây Mỡ; 19,6 vạn cây Keo; 6 vạn cây Sa Mộc; 1,5 vạn cây Hồi; 11 vạn cây Quế. Năm 2022 xuất bán 14,8 vạn cây Mỡ; 5 vạn cây Keo; 10,5 vạn cây Sa Mộc; 2,45 vạn cây Hồi; 12 vạn cây Quế. Từ việc chủ động được nguồn giống, chỉ đạo quyết liệt từ khâu khảo sát, thiết kế, thẩm định hiện trường, cung ứng giống, tổ chức trồng và thanh toán vốn đã giúp cho công tác trồng rừng của huyện có bước khởi sắc đạt và vượt kế hoạch đề ra, từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, thúc đẩy nhân dân mở rộng diện tích trồng rừng và cây dược liệu, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng tổng diện tích trồng rừng mới toàn huyện lên 2.065 ha, đạt 67,7% so với mục tiêu đề ra.

Sau khi được hỗ trợ phát triển thành công vườn ươm cây Hồi trên địa bàn xã, hiện nay đã có 46 hộ xây dựng vườn ươm. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND xã Đường Âm cho biết: “Từ việc không chủ động, khó khăn tìm mua giống. Hiện, xã đã nhân rộng, nâng tổng diện tích cây Hồi lên 200 ha và đã có trên 180 ha cho thu hoạch. Có được thành công đó là sự hỗ trợ của huyện trong việc xây dựng vườn ươm cây Hồi, tạo bước đột phá cho việc phát triển cây trồng đặc trưng của xã, giúp người dân phát huy được lợi thế cây trồng địa phương và hướng đi giảm nghèo. Không chỉ vậy, sản phẩm cây giống của địa phương còn được xuất bán sang các xã trong huyện và các huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; Na Hang, tỉnh Tuyên Quang…”.

Tổ chức lại sản xuất, kinh doanh cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện đã hạn chế việc nhập cây giống từ ngoài vào. Tuy nhiên, các chủ vườn chưa thực hiện đầy đủ theo nội dung phương án; chủ yếu sản xuất 1 vụ/năm nên chưa có nguồn giống thường xuyên, chất lượng và chủng loại, số lượng còn ít; chưa chấp hành đúng các quy định theo Nghị định số 27 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp… Để khắc phục hạn chế đó, huyện đưa ra phương hướng: Kiểm tra, đôn đốc các chủ vườn củng cố mở rộng diện tích và đầu tư các hạng mục theo nội dung phương án; tổ chức sản xuất cây giống có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn huyện; chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn các chủ vườn chấp hành tốt quy định về sản xuất, kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ các chủ vườn kết nối thị trường tiêu thụ cây giống...

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/xay-dung-vuon-uom-gan-voi-phat-trien-cay-trong-dac-trung-9db6957/