Xây dựng văn hóa đọc theo cách của Tủ sách Lam Sơn

Tặng tủ sách nhằm xây dựng văn hóa đọc là điều nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện. Nhưng để các tủ sách ấy duy trì và hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh là điều Tủ sách Lam Sơn đã phần nào "chạm" tới.

Học sinh trường tiểu học Hoằng Giang (huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) chào mừng Tủ sách Lam Sơn.

Trường tiểu học Hoằng Giang (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) một sáng mùa xuân ngập nắng. Bạt che đủ sắc màu được kéo lên cao, tiếng múa hát tưng bừng hòa với từng hồi giòn giã của đội trống nhà trường. Sáng 18/2/2017, chương trình Tủ sách Lam Sơn (TSLS) trong lần tặng tủ sách thứ hai, đã trao tặng 138 tủ sách với gần 10.000 đầu sách, trị giá tổng số tiền gần 350 triệu đồng đến từng lớp học của 12 trường tiểu học trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

Sau Tĩnh Gia vào tháng 11/2016,  Hoằng Hóa trở thành địa chỉ đỏ tiếp theo của TSLS trong hành trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông qua mô hình tủ sách mini của lớp học. 3 tháng không phải là quãng thời gian quá nhiều, nhưng thay đổi vẫn không ngừng diễn ra trong lòng chương trình tặng sách xứ Thanh.

Thông báo về sự cải tiến đầu tiên để nâng cao dần hiệu quả chương trình từ những kinh nghiệm được đúc rút, chị Vũ Thị Hòa, đại diện Ban liên lạc TSLS cho biết: “Lần này, tủ sách được gửi về trước để các trường làm công tác thư viện, mã hóa các đầu sách nhằm có sự quản lý bài bản hơn trước khi chuyển về lớp học. Một tháng sau đó, TSLS quay trở lại thực hiện lễ trao sách và kiểm tra xem nhà trường đã làm gì sau khi nhận sách”.

Một sự nhập cuộc “tận lực”

Khấp khởi vui mừng một tháng nay vì học sinh có hẳn một kho tri thức với "rất nhiều truyện hay, tuyển tập truyện ngắn, truyện về danh nhân lịch sử, truyện rất tâm đắc”, cô Lê Thị Hạnh, chủ nhiệm lớp 4B trường tiểu học Hoằng Giang chia sẻ: “Học sinh ở đây không được tiếp xúc với sách vở nhiều như ở thành phố. Trước khi có Tủ sách Lam Sơn, thông qua buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ, các em đọc tại lớp báo đội, truyện mượn từ thư viện trường”.

Lớp 4B của cô Lê Thị Hạnh từ nay đã có thư viện mini Tủ sách Lam Sơn ngay trong lớp để cô và trò cùng đọc và chia sẻ về những cuốn sách hay.

Quá trình tìm hiểu để quản lý sâu sát và hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả tủ sách cũng là quá trình cô Hạnh bất ngờ tìm thấy ký ức của một thời đọc sách đã xa, một câu chuyện trong quyển sách món quà của cha cô mà do thời gian, cô đã không còn nhớ tên tác giả tác phẩm. Cho đến lúc có TSLS.

Niềm vui có sách của cô được nhân lên khi giờ đây cô được chứng kiến các học trò của mình say sưa đọc những tác phẩm cô yêu thích mấy mươi năm về trước. “Sau hoạt động thể dục giữa giờ, học sinh trở lại lớp để đọc sách”, cô Hạnh kể, không giấu được niềm tự hào.

“Là một người giáo viên, tôi thấy mình có trách nhiệm truyền lại lửa đam mê đọc sách cho các em, hướng cho các em cách đọc bởi có tủ sách chưa chắc các em đã đọc đâu. Những tác giả tác phẩm có biết, tôi giới thiệu qua để các em tìm hiểu thêm… Các em ở đây rất ngoan. Nếu được định hướng tốt thì học giỏi đã đành, nhưng cái quan trọng là vấn đề đạo đức”, cô Hạnh nhấn mạnh.

Đúng và phải đủ

Cô Lê Thị Hạnh giờ đây trở thành một trong rất nhiều mắt xích quan trọng của đội ngũ nòng cốt xây dựng TSLS, một sự kết hợp của các khối trong và ngoài hệ thống giáo dục tỉnh Thanh Hóa, từ tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở giáo dục, Phòng giáo dục, các trường học, từng thầy cô giáo đến những cá nhân, doanh nghiệp mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội và theo đuổi những giá trị dường như rất vô hình.

Lễ ký thực thực hiện chương trình Tủ sách Lam Sơn để xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em trên địa bàn huyện Hoằng Hóa..

Bàn về con đường phát triển của TSLS để phát huy những hiệu quả riêng có cũng như thừa hưởng các mặt được và khắc phục hạn chế từ những mô hình khác, chị Vũ Thị Hòa khẳng định: “Cho sách không phải là xong hoạt động thiện nguyện, chúng tôi hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài”.

Tháng 11/2016, Tủ Sách Lam Sơn trao 67 tủ sách với 3.500 đầu sách, trị giá trị gần 200 triệu đồng tặng 5 trường trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Ngoài nội dung chính là tặng tủ sách, thông qua nhiều đối tác vệ tinh, TSLS lên ý tưởng triển khai các chương trình bổ trợ. Đại diện một trong những đơn vị đồng hành cùng TSLS ngay từ những ngày đầu, anh Trương Minh Hoàng, trưởng phòng truyền thông hệ thống giáo dục Học mãi cam kết: “Chúng tôi sẽ kết hợp với TSLS thực hiện các chương trình tặng các khóa học trực tuyến miễn phí tùy vào điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương nhằm giúp các em tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến”.

Trong lúc này, TSLS cũng đang trong quá trình phôi thai ý tưởng để xây dựng chương trình “Hành trình ước mơ”, một kênh "người thật việc thật" để những học sinh giành chiến thắng trong các hoạt động thi viết, thi vẽ lấy cảm hứng từ chính những trang sách được TSLS trao tặng, sẽ được giao lưu với một nhân vật tiêu biểu. “Chúng tôi muốn các em gặp gỡ những người được sự hỗ trợ của sách vở và biết khai thác thế mạnh của sách vở để trở thành người thành đạt. Đó là tấm gương chân thực nhất”, đại diện Tủ sách Lam Sơn cho biết.

Từ chính những tấm gương này, học sinh có thêm động lực để học tập, để khai thác triệt để thư viện mini lớp học, một món quà ý nghĩa “từ những người các con không hề biết mặt nhưng họ luôn mong muốn các con nên người".

Các em học sinh trường tiểu học Hoằng Giang biểu diễn văn nghệ chào mừng Tủ sách Lam Sơn.

Tham gia TSLS là công việc tình nguyện đòi hỏi sự cam kết tận tâm và lâu dài. Chính vì vậy, ngay tờ thời điểm này, TSLS đã triển khai đào tạo thế hệ kế cận, là đội ngũ sinh viên tình nguyện của xứ Thanh tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. “Họ sẽ là những người tiếp tục duy trì sự phát triển và tồn tại của Tủ sách Lam Sơn”, chị Hòa chia sẻ.

Trong thời gian chờ đợi lớp trẻ lớn lên và đủ bản lĩnh để đảm nhiệm công việc, chị Hòa bật mí nhỏ về cách Ban liên lạc TSLS sắp xếp cuộc sống bận rộn riêng để vận hành chung một hệ thống kết nối trên tinh thần tự nguyện: “Vấn đề là mình có muốn làm hay không... ‘Khi yêu đừng bao giờ nói bận’. Chúng tôi thực sự yêu chương trình này”.

Quãng đường Hà Nội đến Hoằng Hóa (Thanh Hóa) dài gần 170 km và đoàn tặng sách phải xuất phát từ 5 giờ sáng. Nhưng khi những mong muốn làm đong đầy tuổi thơ của trẻ em nông thôn bằng những Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương nam, Quê nội hay Thời thơ ấu, Không gia đình… là đủ lớn, dường như không quãng đường nào là quá xa, thời gian nào là quá sớm hay bao lâu là quá nhiều với những ai nặng lòng với sách.

Tin, ảnh: Vũ Anh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/xay-dung-van-hoa-doc-theo-cach-cua-tu-sach-lam-son-20170220213057364.htm