Xây dựng văn hóa đọc sách ở trường nghề

Một trong những điểm ấn tượng tại Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) chính là thư viện của trường. Với không gian rộng, thoáng và ứng dụng mô hình phân loại DDC trong quản lý thư viện đã giúp cho hệ thống thư viện ngày càng hiện đại, quy mô và phong phú nhằm tạo sự thích thú cho học sinh – sinh viên (HS-SV) đến thư viện, hình thành thói quen đọc sách cho HS-SV của trường.

Một nhóm sinh viên Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) tập thực hành trong thư viện. Ảnh: Thủy Mộc

Chúng tôi đến Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc ngay giờ hành chính nên phần lớn HS-SV lúc này đang vào giờ học ở giảng đường. Sân trường chỉ còn vài HS-SV vừa hết tiết học hoặc không có giờ học đang ngồi tụm năm tụm bảy trên các ghế đá. Thầy Phạm Ngọc Quang, Trưởng phòng Công tác HS-SV cũng là người trực tiếp quản lý thư viện nhà trường đưa chúng tôi đi qua một khoảng sân khá rộng để đến thư viện của nhà trường.

* Quản lý thư viện theo mô hình hiện đại

Thư viện là một trong 10 khu nằm trong khuôn viên rộng 9ha của nhà trường được thiết kế khá thoáng, chia thành nhiều khu vực với các chức năng khác nhau như: khu đọc sách với hàng ngàn đầu sách tham khảo; khu vực dành cho những HS-SV ngồi học hoặc thực hành các bài học theo nhóm và khu vực phòng máy vi tính giúp HS-SV có thể đọc sách trực tuyến, tra cứu dữ liệu trên internet.

Khung phân loại DDC là một trong các khung phân loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay tại các thư viện trên thế giới. Khung phân loại DDC dùng ký hiệu là 10 chữ số Ả Rập để sắp xếp toàn bộ sưu tập tư liệu và thư viện, gồm 10 lớp chính với 1 ngàn đề mục. Một trong những thế mạnh của khung phân loại DDC là luôn luôn được cập nhật, sửa chữa bổ sung và xuất bản. Cấu trúc của khung phân loại DDC trong hệ thống thư viện, tư liệu được mã hóa chung trên toàn thế giới theo các mã như sau: mã 000 thuộc các mảng tư liệu có tính tổng hợp, mã 100 thuộc lĩnh vực triết học và các khoa học liên quan, mã 200 thuộc lĩnh vực tôn giáo, mã 300 là các vấn đề về khoa học xã hội…

Nguồn internet

Theo thầy Phạm Ngọc Quang, thư viện của trường được xây dựng và quản lý theo mô hình phân loại DDC, là một trong các hệ thống quản lý thư viện được sử dụng phổ biến nhất hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Hiện có hơn 200 ngàn thư viện tại hơn 100 quốc gia đang sử dụng thư viện theo mô hình phân loại DDC.

Thầy Vũ Duy Tư, quản lý trực tiếp tại thư viện cho biết, một trong những đặc điểm rất mạnh của hệ thống thư viện điện tử và thư viện tại chỗ theo mô hình phân loại DDC là được cập nhật liên tục giúp các HS-SV tiếp cận và tìm kiếm sách, tài liệu tham khảo, nhất là những quyển sách mới một cách nhanh chóng, dễ dàng. Bên cạnh đó, những sách cho HS-SV mượn mang ra khỏi phòng được theo dõi chặt để bảo đảm không bị thất thoát đầu sách khỏi thư viện.

“Với không gian trưng bày khoa học, dễ tìm và bảo đảm tạo sự thông thoáng, nhẹ nhàng giúp người đến thư viện luôn có cảm giác thư thái, tập trung cho việc đọc sách, nghiên cứu các vấn đề. Hiện tại, tủ sách của nhà trường đang tập trung ưu tiên cho các loại sách về khoa học - công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu tham khảo của phần lớn HS-SV trường nghề và các loại sách tham khảo về lĩnh vực xã hội nhân văn, kỹ năng sống…” - thầy Tư cho biết thêm.

* Nơi đọc sách, học tập lý tưởng

Thường xuyên đến thư viện đọc sách sau những giờ học, em Sùng A Đàng (quê tỉnh Yên Bái), sinh viên năm nhất của trường cho biết, ngoài giờ học trên lớp, phần lớn thời gian em vào thư viện đọc sách, báo và lên mạng tìm kiếm tài liệu phục vụ cho chương trình học của mình.

Hệ thống sách trong thư viện nhà trường được trưng bày khoa học, dễ tìm kiếm. Ảnh: Thủy Mộc

Đánh giá về thư viện của nhà trường, A Đàng cho rằng, thư viện có không gian khá thoải mái, có nhiều loại sách, hỗ trợ rất nhiều cho HS-SV trong việc tìm tư liệu tham khảo. Ngoài ra, điều mà A Đàng thích thú là hệ thống thư viện điện tử của nhà trường giúp HS-SV tìm kiếm tư liệu nhanh và dễ dàng mà không phải đi tìm mua sách ở các nhà sách. Vì trường ở cách xa trung tâm thành phố, trên địa bàn huyện cũng không có nhà sách lớn nên việc nhà trường đầu tư thư viện hiện đại ngay trong trường giúp HS-SV thuận tiện trong tìm kiếm tài liệu, sách phục vụ việc học tập mà không phải đi tìm mua sách ở nơi xa xôi, tốn kém.

Cũng như Sùng A Đàng, nhiều HS-SV nội trú trong trường xem thư viện là nơi lý tưởng để học tập. Vũ Ngọc Tường Vy, sinh viên năm 2 Khoa Du lịch cho biết, Vy từ tỉnh Bình Phước về trường học tập, cùng với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên không về quê thường xuyên. Do đó, thư viện cũng là nơi mà Tường Vy tìm đến vào những giờ rảnh rỗi. Môi trường, không gian trong thư viện rất thoải mái nên Tường Vy thường cùng các bạn trong lớp vào thư viện vừa đọc sách vừa cùng nhau học tập, làm bài thực hành theo nhóm rất hiệu quả.

“Thư viện sạch sẽ, không gian mát mẻ lại có nhiều sách tham khảo. Các thầy cô sắp xếp sách rất khoa học nên tụi em rất dễ tìm. Ngày nào em và nhóm bạn cũng ghé thư viện có khi là đọc sách, có khi học bài theo nhóm. Các thầy cô thường xuyên cập nhật rất nhiều đầu sách để phục vụ HS-SV tham khảo, tìm hiểu trên mọi lĩnh vực” - Tường Vy chia sẻ.

Sinh viên tìm kiếm, tham khảo tư liệu trên hệ thống internet trong thư viện nhà trường. Ảnh: Thủy Mộc

Thích thú với thư viện ngay từ những ngày đầu tới trường, Nguyễn Thị Thủy, sinh viên năm nhất Khoa May cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Thủy thích đến thư viện những lúc rảnh rỗi là vì không gian học tập cùng bạn bè rất tiện lợi. Với đặc thù là ngành cần thực hành nhiều, trong thư viện có khu vực giúp Thủy và các bạn có không gian trải giấy, cắt đồ theo mô hình thỏa thích.

Có thể nói rằng, với việc khuyến khích HS-SV phát huy tối đa văn hóa đọc tại Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc qua sự đầu tư về mô hình thư viện hiện đại, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống thư viện ngày một phong phú hơn về đầu sách, chuyên nghiệp hơn trong quản lý và tạo môi trường, không gian đọc lành mạnh nhất cho học sinh, HS-SV của trường. Nhà trường đang hướng đến xây dựng thư viện trở thành trái tim của nhà trường trong tương lai” - thầy Nguyễn Ngọc Quang cho biết thêm.

Hướng đến phát triển con người toàn diện

Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được thành lập năm 2017 trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề Hòa Bình. Năm học 2020-2021, trường đón nhận trên 1,3 ngàn học sinh hệ trung cấp và 220 sinh viên hệ cao đẳng, nâng tổng số HS-SV của nhà trường lên hơn 4 ngàn.

HS-SV của nhà trường được tuyển sinh khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo đánh giá của ngành GD-ĐT, Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc là một trong những trường nghề có chất lượng đào tạo cao nhất tỉnh hiện nay. Hiện trường đang đào tạo 18 nghề trung cấp và 6 nghề cao đẳng, mục tiêu hướng tới là tạo môi trường đào tạo lành mạnh, chất lượng, sát với thực tế để phát triển con người toàn diện cho đất nước.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202011/xay-dung-van-hoa-doc-sach-o-truong-nghe-3030448/