Xây dựng và phát triển văn hóa con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Thời gian qua, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước', thị xã Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa con người, gắn với giữ gìn hệ giá trị quốc gia, gia đình để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Phụ nữ thị xã Quảng Trị tổ chức các phong trào hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” - Ảnh: H.T

Nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, thị xã Quảng Trị luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn các cấp ủy đảng từ thị xã đến cơ sở; thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đổi mới phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Chú trọng các giải pháp xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên thông qua các đợt sinh hoạt học tập chính trị. Triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức thiết thực; trong đó luôn nêu cao tinh thần gương mẫu của từng đảng viên, nhất là đảng viên ở cương vị lãnh đạo để làm gương cho cán bộ và quần chúng noi theo.

Hằng năm, tiến hành việc sơ kết, tổng kết các hoạt động văn hóa gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và tổ chức biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, từ đó nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay để học tập, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Bên cạnh đó, thị xã đã nghiên cứu, ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện; đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động trực tiếp làm ra những sản phẩm văn hóa; quan tâm hỗ trợ đào tạo tài năng, có chế độ chính sách đối với hạt nhân văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, thị xã Quảng Trị cũng thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai hiệu quả và thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa hiệu ứng tích cực trên địa bàn.

Đến nay, toàn thị xã có 6505/6602 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 98,5%; có 23/23 khu phố, thôn đạt khu phố, thôn văn hóa, có 21/23 khu phố, thôn có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ 91,3%. Cùng với việc xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng được địa phương quan tâm, chú trọng.

Theo đó, thị xã đã quan tâm tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa Trũng Đàn, Tháp Chuông, Nhà hành lễ - Bến thả hoa đôi bờ Nam Bắc sông Thạch Hãn, Trường Bồ Đề, Đài tưởng niệm Mai Quốc Ca...; chú trọng phát huy các giá trị truyền thống trên tinh thần tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa thế giới làm giàu cho văn hóa dân tộc.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh.

Toàn thị xã hiện có khoảng 40% dân số tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên. Các thôn đều có hệ thống áp phích, bảng tường cổ động, có đội văn nghệ, đội bóng chuyền luyện tập và thi đấu phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, trên địa thị xã hiện có 6 sân bóng đá, 30 sân bóng chuyền, 10 sân cầu lông, 3 bể bơi, 4 sân Tennis cùng nhiều cơ sở, câu lạc bộ thể thao dành cho tất cả mọi lứa tuổi, thu hút đông đảo các thành viên tham gia tập luyện, từng bước đáp ứng nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.

Các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến tích cực.

Các lễ hội truyền thống ở các địa phương được tổ chức hằng năm đảm bảo an toàn, tiết kiệm và có ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn, việc phát triển văn hóa, con người thị xã gắn với xây dựng các hệ giá trị quốc gia, gia đình Việt Nam ngày càng hiệu quả, góp phần đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia trong tình hình mới, thị xã Quảng Trị tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, vai trò vận động của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ với phương châm lãnh đạo: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng nhằm huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng, phát huy và phát triển văn hóa.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; tiếp tục rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết nhằm kịp thời phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-184877.htm