Xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam tại các quốc gia là cần thiết và ý nghĩa

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 diễn ra sắp tới đây. Chương trình hiện đang được Chính phủ tiếp tục hoàn thiện sau khi trình xin ý kiến tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2022, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào tổ chức khai mạc Trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động tại Lào. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Văn Sỷ Kua Mua dự sự kiện.

Năm 2022, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Học viện Mỹ thuật Quốc gia Lào tổ chức khai mạc Trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động tại Lào. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Văn Sỷ Kua Mua dự sự kiện.

Có thể thấy, trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa định hướng "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa", phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn

Ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa xây dựng ở thời điểm này là cần thiết, có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Việc đầu tư vào Chương trình nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.

Ông Hoàng Trung Dũng cũng nêu một thực tế là lâu nay việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa đạt yêu cầu. Vì thế muốn văn hóa phát triển thì ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần khuyến khích các nguồn lực từ xã hội hóa và cũng không nên tích hợp các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa vào các chương trình khác vì mỗi chương trình có một mục tiêu, đối tượng riêng.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đề nghị Trung ương đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, nhất là các di sản đã được UNESCO vinh danh hay các di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hiện kinh phí tại các địa phương để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa còn hạn chế, trong khi đó Trung ương gần như chưa hỗ trợ được nguồn lực nên một số di sản mà cụ thể như ở Hà Tĩnh sẽ khó chống chọi với thời gian.

"Nếu như không có kinh phí thỏa đáng để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản thì những kiệt tác như Truyện Kiều rồi cũng dần mai một" - ông Hoàng Trung Dũng nêu ví dụ.

Để việc thực hiện chương trình được hiệu quả, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động của cấp cơ sở. Rút kinh nghiệm từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác chủ yếu chú trọng vào đời sống vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần cùng các hệ giá trị Việt, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới, đại biểu mong muốn sau khi Chương trình được thực hiện sẽ “đánh thức” các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam đồng thời bảo vệ được các di sản, danh lam, thắng cảnh đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng tán thành với sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhất là trong bối cảnh, có lúc, có nơi văn hóa không được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa ra đời trong hoàn cảnh hiện nay là hợp lý. Lưu ý đến việc cần phải rà soát những nội dung, nhiệm vụ còn trùng lắp giữa Chương trình này và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai, đại biểu cũng đề nghị Chương trình phải xác định được khâu nào là trọng yếu, cần phải tập trung, tránh dàn trải...

Khẳng định vị thế đất nước

Bày tỏ đồng tình với một nội dung trong dự thảo Chương trình là sẽ xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số nước, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho hay, việc xây dựng các trung tâm này là nhằm khẳng định vị thế đất nước, giáo dục truyền thống cho kiều bào, quảng bá các thành tựu phát triển của đất nước, con người Việt Nam nên cần có các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần thiết phải xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. "Việc này hết sức ý nghĩa bởi Việt Nam đang có vị thế uy tín rất tốt trên trường quốc tế. Vì vậy, cần lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài" - ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Cùng nói về vấn đề này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Tờ trình của Chính phủ có nêu chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam và có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động học tập, tuy nhiên khi xem xét các nội dung, thành phần của chương trình thì không nêu tên các quốc gia cụ thể.

Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần phải xác định rõ các quốc gia cụ thể ngay tại nội dung thành phần, vì đây là cơ sở quan trọng để xác định quy mô, phạm vi thực hiện chương trình, từ đó cũng làm căn cứ để xác định kinh phí, vốn đầu tư vào chương trình.

Trong dự thảo Chương trình này, Chính phủ cũng dự kiến đầu tư xây dựng hoạt động Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài. Theo ông Bùi Văn Cường, nội dung này cần phải lý giải thuyết phục hơn và phải có cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn chặt chẽ khi đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 gồm 13 mục với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xay-dung-trung-tam-van-hoa-viet-nam-tai-cac-quoc-gia-la-can-thiet-va-y-nghia-20240515090129118.htm