Xây dựng thương hiệu, hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp Thủ đô

Cùng với việc tập trung vào sản xuất số lượng các mặt hàng thì việc chú trọng tới xây dựng thương hiệu của nông sản đã giúp các sản phẩm nông sản ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và qua đó cũng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Cũng từ đó, ngăn chặn tình trạng được mùa mất giá góp phần giúp người nông dân quyết tâm bám đất để xây dựng kinh tế...

Hà Nội, địa phương vốn được biết tới với nhiều loại nông sản đặc sắc, hiện đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đây được xem là những bước đầu tiên trong tiến trình xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản để từ đó, giúp người nông dân nâng cao giá trị thu nhập trong lĩnh vực sản xuất. Nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp của vùng, Hội ND xã Thanh Xuân- huyện Sóc Sơn đã tập trung định hướng để hội viên, nông dân đầu tư sản xuất rau hữu cơ thay cho quá trình trồng rau theo hình thức truyền thống như trước đây. Sản phẩm rau hữu cơ của vùng đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn và đang có nhiều kênh bán lẻ uy tín ưa chuộng, ký hợp đồng thu mua.

Xây dựng thương hiệu được xem là cách làm hiệu quả trong việc thúc đẩy việc giao thương các sản phẩm nông sản.

Xây dựng thương hiệu được xem là cách làm hiệu quả trong việc thúc đẩy việc giao thương các sản phẩm nông sản.

Hay như tại địa bàn xã Kim An, huyện Thanh Oai, địa phương vốn có nhiều lợi thế về địa hình bởi nằm ven bờ sông Đáy. Trước đây, nông dân trong vùng cũng chỉ chuyên canh trồng rau và cây màu. Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, xã đã tích cực triển khai và khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh sang trồng cây ăn quả, rau an toàn nhằm tạo được sự bứt phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Hiện toàn xã có 130 ha trồng cây ăn quả với cây trồng chủ yếu là cam đường. Sau nhiều năm sản xuất theo hướng an toàn, nỗ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, vào năm 2016, sản phẩm “Cam đường Kim An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, Tổ chức chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (NHO-QSCert) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. với sản lượng vụ cam của toàn xã đạt khoảng 17.500 tấn, cây cam đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân trong xã. Có thể thấy, nhờ xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, cây cam đã nâng cao giá trị, đồng thời giúp cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn làm giàu.

Mặc dù còn cả tháng nữa mới bắt đầu bước vào mùa thu hoạch, nhưng đến nay hầu hết các vườn nhãn chín muộn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đã được các siêu thị, thương lái, DN đến đặt mua. GĐ HTX Nông nghiệp Đại Thành, Đinh Văn Phích cho biết, toàn xã có gần 200ha trồng nhãn chín muộn. Năm nay thời tiết bất thường, nhãn ra hoa kém nên sản lượng giảm đáng kể; song bù lại chất lượng quả tốt. Hiện, đã có nhiều thương lái, DN về tận vườn của từng hộ để bao tiêu sản phẩm. Cùng với nhãn chín muộn, nhiều nông sản khác như: Rau an toàn Chúc Sơn, gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), thịt lợn sinh học Bảo Châu (huyện Sóc Sơn)… được tiêu thụ mạnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Theo PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, đã có gần 400 sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước được đưa về thị trường Thủ đô tiêu thụ. Đặc biệt, hơn 105 DN của các tỉnh, TP thường xuyên tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản trên địa bàn và trên trang thông tin nông sản an toàn của TP Hà Nội…

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội năm 2019. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thỏa thuận hợp tác với một số tỉnh, các vùng: Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng... về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật; sản xuất - tiêu thụ rau an toàn; hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Mặt khác, Sở tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác về “Sản xuất - tiêu thụ rau an toàn” với các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La. Như vậy, bằng việc liên kết, chung tay sẽ là một giải pháp hữu ích để xây dựng thành công những vùng sản xuất lớn. Qua đó, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản, người dân có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị kinh tế, tạo cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường cả trong và ngoài nước.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-thuong-hieu-huong-di-dung-de-phat-trien-nong-nghiep-thu-do-155214.html