Xây dựng thương hiệu homestay phát triển du lịch vùng sông nước Cửu Long

Với bề dày hơn 30 năm, dịch vụ homestay tại Vĩnh Long ngày càng khẳng định thương hiệu bởi sự đặc trưng, độc đáo trong phát triển du lịch vùng sông nước Cửu Long, là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước.

Homestay xứ Cù lao

Dòng Mekong khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam chia làm hai dòng sông Tiền Giang và Hậu Giang rồi đổ ra biển với 9 cửa sông. Ở giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu của dòng Mekong huyền thoại là địa phận của tỉnh Vĩnh Long giàu truyền thống cách mạng, vùng đất được mệnh danh địa linh nhân kiệt, với truyền thống văn hóa, ẩm thực phong phú, quanh năm được phù sa vun đắp, ruộng vườn tươi tốt, cây lành trái ngọt, bốn mùa trĩu quả.

Du khách tham quan homestay ở xứ Cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Chính ở vị trí với những vùng đất cù lao xanh ngát bạt ngàn cây trái, Vĩnh Long đã sớm phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn đặc trưng, gắn với các homestay nghỉ dưỡng kết hợp khám phá, tìm hiểu lịch sử, đời sống văn hóa, con người vùng đất nơi đây.

Ông Nguyễn Trọng Tín - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Nét đặc biệt của loại hình du lịch này là du khách trở thành thành viên trong gia đình để cùng trải nghiệm, cùng khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương như chèo xuồng, chài lưới trên sông, tát mương bắt cá, làm bánh dân gian… Du khách như được đắm mình trong những vườn cây trái trĩu quả, được thưởng thức các món ăn ngon, nghe đờn ca tài tử. Với nhiều du khách những hoạt động đó khiến họ nhắc nhớ, quay về miền ký ức tuổi thơ khó quên…”.

Ở xứ Cù lao này, khi nhắc đến cụm du lịch homestay An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, du khách đến, lúc rời đi đều vương vấn bởi sự nhiệt tình, chu đáo, hiếu khách của chủ cơ sở.

Lần đầu tiên đến với homestay An Bình, chị Nguyễn Huỳnh Như Khánh - du khách ở TP Hồ Chí Minh không khỏi bất ngờ, thú vị vì có những khoảng thời gian rất đẹp, thoải mái khi dừng chân. Chị Khánh bày tỏ sau này nếu có dịp xuống Vĩnh Long nhất định sẽ trở lại đây. Chị Khánh cho biết: “3 lần đến Vĩnh Long nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến với homestay, phải nói rất là thú vị bởi không khí trong lành, sông nước bình yên, sáng sớm tinh mơ lại nghe tiếng gà gáy đánh thức, nghe tiếng chim hót véo von”.

Theo chị Khánh, điều chị ấn tượng là homestay kết hợp với hoạt động tham quan các làng nghề truyền thống, rồi được thưởng thức những món ăn đặc sản vùng sông nước như bánh xèo hến Cù lao, cá tai tượng chiên xù, lẩu cá… Các thành viên trong gia đình chị có dịp quần tụ bên nhau vui vẻ, gắn kết yêu thương sau những ngày làm việc căng thẳng.

Du khách thích thú trải nghiệm không gian nhà xưa và các vật dụng cổ xưa tại homestay.

Elisabeth - một du khách khách đến từ Canada cũng bày tỏ: “Tôi đã có một trải nghiệm độc đáo, tuyệt vời. Như là người trong gia đình, chúng tôi cùng nhau trải nghiệm, sinh hoạt, tham gia các hoạt động gắn với sông nước miệt vườn, đặc thù địa phương và được thưởng thức những bữa tiệc với những món ăn thật ngon”.

Chị Ngô Phạm Thùy Trang, chủ cơ sở Homestay An Bình - Sáu Thành cho biết, homestay hiện có 2 dãy nhà nghỉ gồm 23 phòng với sức chứa từ 80-100 người trong đêm. Lợi thế của homestay là nằm ở đầu Cù lao nên tận dụng được thiên nhiên ưu đãi là có bãi tắm tự nhiên, cây trái bốn mùa nép mình bên bờ sông mát mẻ quanh năm, sau dịch COVID-19 du khách đến rất nhiều khiến chị và những người làm du lịch ở xứ Cù lao rất vui mừng.

Nâng tầm thương hiệu

Trong giai đoạn năm 2017-2023, các homestay Vĩnh Long đã 3 lần đón nhận giải thưởng du lịch ASEAN, khẳng định thương hiệu du lịch địa phương, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách. Cụ thể cụm homestay Út Trinh đạt homestay Asean giai đoạn 2017-2019; homestay Phương Thảo đạt homestay Asean giai đoạn 2019-2021; năm 2023 cụm homestay An Bình đã được vinh danh tại Diễn đàn Du lịch Asean (ATF) 2023 tại Indonesia.

Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long cho biết, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay trên địa bàn các xã Cù lao An Bình có 26 homestay phục vụ du khách, trong đó có 9 homestay đạt giải thưởng du lịch ASEAN và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Thực hiện Nghị quyết 01 về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến 2030, tỉnh Vĩnh Long phê duyệt nhiều đề án, dự án phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nét riêng thu hút du khách. Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để loại hình du lịch này phát triển.

Theo Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thì du lịch homestay là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Vì thế, tỉnh có kế hoạch tập huấn, đào tạo để cư dân nâng cao văn hóa ứng xử, thân thiện, chuyên nghiệp; xây dựng các bến tàu du lịch, hệ thống trạm dừng chân dọc theo các tuyến nhằm kết nối giao thông thủy - bộ; nâng cấp hệ thống cảnh báo đường sông, các bảng chỉ dẫn khu, điểm du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nguồn lực nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch đặc thù, khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách như nấu ăn, làm bánh, đạp xe đạp khám phá, thưởng thức đờn ca tài tử, xem hát bội…

Lễ vinh danh các homestay Vĩnh Long đạt giải đạt giải thưởng du lịch ASEAN tháng 7/2023.

Là một trong người làm du lịch homestay đầu tiên ở xứ Cù lao An Bình, ông Nguyễn Thanh Hảo Nguyên - sơ sở du lịch homestay Ba Lình, xã An Bình, huyện Long Hồ chia sẻ: “Làm du lịch homestay thì phải hiểu được tâm lý, nhu cầu du khách cần gì. Vậy nên, thế mạnh của loại hình du lịch này chính là sự trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán đất và người nơi đây”.

Còn chủ cơ sở homestay Út Trinh, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ - bà Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết: “Để tạo thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch homestay, gia đình đã hết sức cố gắng giữ nếp nhà truyền thống, cổ xưa của người miền Tây, đặc biệt là nhà ba gian hai chái, nhà đinh, nhà xưa; lưu giữ các món đồ và cách sống ngày xưa, những nét văn hóa đặc trưng miệt vườn để du khách cùng trải nghiệm sinh hoạt, ăn ở với gia đình; tham gia các hoạt động như đạp xe, tát mương bắt cá, trực tiếp vào bếp nấu ăn, làm bánh, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, buổi tối đốt đuốc đi xem hát bội”.

Hiện trên địa bàn có hơn 20 hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay với hơn 460 giường ngủ với nhiều dịch vụ tiện ích, loại hình hoạt động hấp dẫn du khách. Hàng năm, khách du lịch đến homestay Vĩnh Long và các điểm du lịch miệt vườn chiếm khoảng 40% trong tổng số 1,2 -1,5 triệu lượt khách hàng năm của tỉnh. Từ đó, đã mang đến nguồn thu nhập khá ổn định, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương không ngừng phát triển.

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, du lịch homestay Vĩnh Long có nét đặc sắc, độc đáo riêng, với bề dày kinh nghiệm qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, homestay Vĩnh Long ngày càng khẳng định thương hiệu, không ngừng được đổi mới, trau chuốt, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút, giữ chân du khách thập phương, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh Vĩnh Long nói riêng, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển bền vững.

Hòa Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/xay-dung-thuong-hieu-homestay-phat-trien-du-lich-vung-song-nuoc-cuu-long/20230901094545065