Xây dựng thương hiệu các sản phẩm lúa nếp

Với tiềm năng phát triển lúa gạo, những năm qua các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ nhân rộng diện tích, phát triển các vùng sản xuất lúa nếp quy mô lớn mà còn chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển các giống lúa nếp đặc sản... nâng cao năng suất, chất lượng. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa nếp trên thị trường.

Vùng sản xuất lúa nếp hạt cau tại xã Thạch Đồng (Thạch Thành).

Là xã miền núi của huyện Vĩnh Lộc, không biết từ bao giờ giống lúa nếp cái hạt cau xuất hiện trên mảnh đất Vĩnh Thịnh, được người dân nơi đây ví như “hạt ngọc của trời”. Lúa nếp hạt cau là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, hương thơm đặc trưng, hạt gạo tròn, trắng, khi nấu hạt dẻo và ráo, mềm nhưng không nát. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu nên năng suất và chất lượng của giống lúa này ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế thấp. Từ đó, diện tích sản xuất thu hẹp dần, giống bị thoái hóa, dẫn đến nguy cơ mất nguồn gen.

Từ năm 2017, sau khi giống lúa này được phục tráng, xã đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất tập trung với diện tích hơn 30ha. Trước một sản phẩm nông nghiệp truyền thống, có chất lượng cao như gạo nếp hạt cau, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh đã tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng. Nhất là, kiểm soát chặt chẽ ở các giai đoạn cấy lúa để mật độ hợp lý, hạn chế sâu, bệnh hại, giảm thiểu số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất và tạo ra sản phẩm gạo sạch. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân các khâu dịch vụ, là trung gian liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời xây dựng mô hình trồng lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm gạo nếp Lộc Thịnh đã được phê duyệt sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, là sản phẩm thế mạnh đặc trưng của địa phương. Hiện nay, diện tích sản xuất đã được mở rộng hơn 250ha; thương hiệu gạo nếp Lộc Thịnh đã được người tiêu dùng ưa chuộng, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.

Được biết, bình quân hàng năm, toàn tỉnh gieo cấy khoảng hơn 11.000ha lúa nếp với các loại giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, nếp Cay Nọi, nếp hương, nếp Liên Hoa... Các địa phương cũng đã quan tâm thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn, đầu tư hạ tầng sản xuất với những vùng thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đủ tiềm lực để sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa nếp trên website, phương tiện truyền thông, tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại... Bên cạnh đó, chú trọng việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu bền vững.

Đơn cử như ở huyện Thạch Thành hiện đã phát triển được hơn 145ha lúa nếp hạt cau tại các xã Thạch Đồng, Thạch Bình... Phần lớn sản phẩm nếp hạt cau được ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn như Dạ Lan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lan Hương... Đồng thời, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gạo nếp hạt cau Phú Quý tại các đại lý phân phối sản phẩm. Hiện nay, thương hiệu gạo nếp hạt cau Phú Quý của HTX Dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Đồng, xã Thạch Đồng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, HTX phấn đấu mở rộng diện tích vùng nguyên liệu từ 81ha lên 100ha và tiếp tục đưa sản phẩm gạo nếp hạt cau Phú Quý vào các hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng, các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, cùng với việc đầu tư sản xuất, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm gạo nếp như: Gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo nếp đặc sản Cung Điền, gạo nếp hạt cau Phú Quý, gạo nếp hạt cau Mường Đủ, gạo nếp hạt cau Thạch Lập, gạo nếp Cay Nọi... đã được công nhận là sản phẩm OCOP, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng lúa nếp đạt 20.000 đến 23.000ha trở lên, xây dựng được nhiều thương hiệu gạo nếp và các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xay-dung-thuong-hieu-cac-san-pham-lua-nep-30809.htm