Xây dựng thông điệp cho sản phẩm

Để tiếp thị sản phẩm thành công tới nhiều đối tượng khách hàng trong thời gian ngắn, hãy xây dựng cho món hàng mà bạn đang bán một thông điệp ngắn gọn, súc tích và ấn tượng.

Khi quảng cáo sản phẩm, các hãng nước khoáng thường phát kèm thông điệp về sự cần thiết của nước với cơ thể. Ảnh: M.T.

Karley Cunningham, người sáng lập công ty Big Bold Brand, đồng thời là người bạn thân của tôi đã rất chăm chỉ thực hiện những hành động tiếp thị nhỏ (TMAs) để tiếp cận khách hàng. Mọi thứ bắt đầu đi vào quỹ đạo và mang đến kết quả. Karley đã dần dần có lại những cuộc gặp gỡ với khách hàng tiềm năng, cũng như được giao thêm các dự án mới.

Tuy vậy, Karley vẫn thấy mọi thứ có chút gì đó lộn xộn. Cô vốn được khách hàng biết đến vì chất lượng làm việc tốt, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, như đưa ra các ý tưởng về tên công ty, thiết kế logo, thiết kế toàn bộ tài liệu hình ảnh và xây dựng trang web. Thế nhưng, giờ đây cô có cảm giác hướng thông điệp và hình ảnh cô đang tạo dựng cho công ty mình có gì đó chưa thực sự đúng.

Nếu bạn là người đa tài như Karley, bạn có thể làm được rất nhiều thứ, cũng vì vậy mà bạn nói có với rất nhiều cơ hội và thử thách. Khách hàng của bạn biết bạn làm việc rất hiệu quả, nhưng họ không hiểu rõ điều bạn muốn làm và đường lối của bạn là gì. Bạn yêu thích công việc của bạn nhưng nhận thấy quá trình và kết quả của công việc đó có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào khách hàng bạn đang làm việc cùng.

Bạn cũng gặp khó khăn trong việc mô tả những gì bạn đang và muốn làm trong nhiều bối cảnh khác nhau, đặc biệt là tại các sự kiện kết nối, nơi mà bạn cần phải có câu trả lời rõ ràng, súc tích cho tất cả câu hỏi từ các khách hàng và đối tác tiềm năng.

Karley hiểu về việc xây dựng thương hiệu từ góc độ tổng thể, bao gồm cả tác động của nó đến hoạt động tiếp thị, bán hàng, tài chính, kế toán, nhân sự, văn hóa, sản xuất, phân phối, vận hành, dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Cô cũng biết rằng, những chủ doanh nghiệp quyết định sử dụng các giải pháp tạm thời thay vì dài hạn để xây dựng thương hiệu, về sau thường sẽ gặp vấn đề rất lớn với chính nhận diện thương hiệu của mình: Một hình ảnh chắp vá, không có định hướng lâu dài và không có chỗ đứng vững chắc trong thị trường.

Karley biết hướng tiếp cận của cô rất khác biệt, thế nhưng cô vẫn cần một chân dung khách hàng lý tưởng rõ ràng, cũng như mô tả ngắn gọn về những dịch vụ cốt lõi của công ty để các tập khách hàng tiềm năng thực sự hiểu cô ấy đã và có thể làm gì cho họ.

Karley nhận ra rằng các yếu tố như ngành nghề, công việc, hay giới tính, hay địa điểm sinh sống của các khách hàng lý tưởng không thực sự tạo nên ảnh hưởng khác biệt trong hành vi của họ.

Ngay cả khi cô tự giới thiệu mình với những danh xưng như “chuyên gia tiếp thị”, “chuyên gia xây dựng thương hiệu” hoặc “nhà tư vấn kinh doanh”, cô cũng không thấy được sự tác động rõ ràng đến khách hàng lý tưởng. Vậy thì bằng cách nào cô có thể đưa thông điệp của mình tiếp cận họ một cách hiệu quả và đúng đắn nhất?

Trớ trêu thay, vấn đề mà doanh nghiệp cô gặp phải lại là về lĩnh vực chuyên môn mà cô giỏi nhất và thực hiện tốt nhất cho khách hàng. Trải qua một quá trình dài làm việc và chạy theo yêu cầu từ quá nhiều dự án, Karley gặp khó khăn trong việc nhìn nhận thương hiệu doanh nghiệp của cô một cách khách quan và rõ ràng.

Pamela Slim/ Bách Việt Book và NXB Lao động

Nguồn Znews: https://znews.vn/xay-dung-thong-diep-cho-san-pham-post1468360.html