Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Sáng nay (29/3), tại thành phố Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo 'Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL'.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham gia và đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Đại biểu tỉnh Trà Vinh tham gia Hội thảo có đồng chí Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh và Diểm du lịch cộng đồng Cồn Hô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu chào mừng tại Hội thảo.

ĐBSCL có 01 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 12 tỉnh với diện tích khoảng 40.000km2; tổng dân số hơn 17 triệu người, với các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm... sống chan hòa với những sinh hoạt cộng đồng độc đáo từ nhiều thế kỷ qua. ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, đồng thời được xác định là 01 trong 07 vùng du lịch của quốc gia, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển đảo, du lịch Mice...; con người ĐBSCL hào sảng, nghĩa tình, mến khách; đây còn là điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” đối với du khách gần xa.

Tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng nhìn chung tốc độ phát triển du lịch thời gian qua ở ĐBSCL chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù…

Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm OCOP của Trà Vinh được giới thiệu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo các đại biểu được nghe những ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, định hình tour, tuyến và sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, nhằm kết nối hiệu quả điểm đến trong chuỗi liên kết hợp tác phát triển du lịch toàn vùng ĐBSCL.

Theo đồng chí Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức. Đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhận định, Hội thảo lần này vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững và vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khu du lịch có những hoạt động nổi bật trong thời gian qua.

Đặc biệt, thông qua hơn 20 bài tham luận tại Hội thảo là những bài viết chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích những khó khăn, hạn chế để đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành “công nghiệp không khói” của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL”.

Ông Trì Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vĩnh Bình (Trà Vinh) phát biểu về sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách đến ĐBSCL.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi khẳng định vai trò của báo chí truyền thông với du lịch ĐBSCL là khá quan trọng. Từ đó, trong hoạt động, ngànhh cần xây dựng chiến lược truyền thông để phát huy hiệu quả, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành du lịch khu vực ĐBSCL trong thời gian qua, nhất là việc tổ chức Hội thảo làn này đã góp phần đánh thức ngành du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục phát triển.

Đồng chí Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Đồng chí Cao Thị Ngọc Lan yêu cầu ngành du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và kịp thời đào tạo đội ngũ lao động phục vụ lĩnh vực du lịch đáp ứng nhu cầu hiện nay. Qua đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch ĐBSCL nói riêng và ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao quyết định công nhận 04 điểm du lịch tiêu biểu khu vực năm 2024.

Dịp này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công bố và trao quyết định công nhận mới và tái công nhận 04 điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2024 gồm: Điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh); Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh (Phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh); Cảng du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang) và Đồi Tức Dụp, tỉnh An Giang (tái công nhận).

Bà Lương Thị Diễm Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho, Giám đốc Cảng du thuyền Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Hội thảo.

Tin, ảnh: BÁ THI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/xay-dung-phat-trien-tour-tuyen-va-cac-san-pham-dac-thu-cua-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-36013.html