Xây dựng pháp luật bảo đảm quyền lợi cao nhất của người dân

Bộ Công an sẽ đánh giá hết các vấn đề, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định pháp luật.

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật TTATGT đường bộ, sáng 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự án luật này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản trị xã hội, quản lý nhà nước về TTATGT. Nhưng quan trọng hơn, việc xây dựng pháp luật phải phục vụ được Nhân dân, làm sao Nhân dân đồng tình ủng hộ, thực thi pháp luật, bảo đảm những quyền lợi, lợi ích cao nhất của người dân.

"Tinh thần là để phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, để Nhân dân hiểu được lợi ích của họ được bảo đảm, thu hút người dân tự giác thực hiện. Ban soạn thảo thảo luận, quán triệt rất kỹ những vấn đề này, trong quá trình làm nếu không đảm bảo tinh thần đó thì phải chỉnh sửa, chứ không phải chỉ định hướng một chiều, cơ quan quản lý nhà nước đặt ra phải thế này, thế kia..." - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng đánh giá cao, trân trọng cảm ơn, tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, trong đó cơ bản là đồng tình, với nhiều phát hiện, đánh giá từ thực tiễn, kinh nghiệm địa phương và trao đổi với quốc tế... Thế giới cũng đưa ra những quy luật, ở đâu kinh tế phát triển thì ở đó những vấn đề về TTATGT rất phức tạp. Ở nước ta cũng vậy, những vùng trọng điểm kinh tế, thủ đô, thành phố lớn, khu công nghiệp phát triển như tại Hà Nội, TPHCM... thì xảy ra tắc đường, nhiều TNGT, và chúng ta cần có luật để điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 10/11

Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, Ban soạn thảo còn rất quan tâm đến những người yếu thế, và trong thực tế chỉ đạo công tác lực lượng CSGT cũng rất quan tâm đến điều này. Những hình ảnh CSGT dắt cháu bé, cụ già qua đường, cấp cứu người bị nạn, đỡ đẻ, cứu người đuối nước... rất nhiều.

"Kinh nghiệm ở nhiều nước là kết hợp cả xe cấp cứu và xe cảnh sát, "giờ vàng" 30 phút để cấp cứu vô cùng quan trọng. 70% những người bị bệnh tim mạch sống được khi cấp cứu trong "giờ vàng", trên xe cảnh sát có sẵn cả máy đo tim mạch, huyết áp, truyền ngay dữ liệu về bệnh viện. Thậm chí, cảnh sát còn biết nhà ông đó ở đâu, cần hỗ trợ gì, thông tin tiền sử bệnh tật như thế nào...", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Tại nước ta, trên thực tế, lực lượng CSGT cũng đáp ứng được yêu cầu này và hiện Bộ Công an đang tiến hành đào tạo, huấn luyện cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; lực lượng CSGT những kiến thức cơ bản về y tế để phục vụ cho việc đó.

Về vấn đề xe chính chủ, theo Bộ trưởng là phải minh bạch, nếu không rất khó ứng dụng khoa học công nghệ khi người sử dụng xe lại không phải chủ xe, tài sản của người này lại người kia quản lý, dẫn đến việc chống tham ô, tham nhũng và kê khai tài sản cũng rất vướng...

Về một số vấn đề liên quan đến chỉ huy giao thông hay việc áp dụng khoa học công nghệ vào điều khiển giao thông, bảo đảm TTATGT, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, một số nước điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông phù hợp với xe ưu tiên thay vì nghe theo hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông tại hiện trường; có nước áp dụng công nghệ nhận diện biển số xe rất tốt nên biển giả không thể đi qua được vì hệ thống không mở.

"Phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả, giảm bớt nhiều "tiếng ong ve" về CSGT, bởi vì không ai tiếp xúc, giao dịch với ai, muốn tiêu cực cũng không tiêu cực được", Bộ trưởng lý giải.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện còn 6 tháng trước khi Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật này, nên Bộ Công an sẽ đánh giá hết các vấn đề, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh theo quy định pháp luật.

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/xay-dung-phap-luat-phai-bao-dam-quyen-loi-cao-nhat-cua-nguoi-dan_155154.html