Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ mô hình HTX do thanh niên làm chủ

Tận dụng điều kiện tự nhiên tại địa phương kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình hợp tác xã do thanh niên làm chủ tại Phú Thọ đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, góp phần vào quá trình xây dựng NTM ở địa phương này.

Các hợp tác xã (HTX) tại Phú Thọ do thanh niên làm chủ không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cho người lao động, mà còn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế địa phương.

Thành công trên mảnh đất quê hương

Một trong những mô hình đáng để học tập và tiêu biểu do thanh niên làm chủ là mô hình HTX Nông nghiệp và Dịch vụ (NN & DV) Mường Cúc ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Anh Hà Văn Sao, Giám đốc HTX chia sẻ, hầu hết các thành viên của HTX là người dân tộc Mường, Dao sinh sống trên địa bàn. Chính vì vậy, hơn ai hết, họ hiểu về bản sắc văn hóa và cách thức sản xuất các đặc sản của núi rừng. Bằng kiến thức sẵn có cùng tình yêu quê hương và nhiệt huyết tuổi trẻ, những thanh niên ở xã Thu Cúc đã xây dựng HTX với đa dạng ngành nghề phát triển như, kinh doanh các sản phẩm bản địa, thu gom, xử lý rác thải, cung cấp vật tư, giống cây trồng…

Sản phẩm nho Hạ Đen của HTX NN & DV Mường Cúc.

Sản phẩm nho Hạ Đen của HTX NN & DV Mường Cúc.

Khi mới thành lập HTX, các thành viên trong HTX đã phải tìm kiếm, tra cứu thông tin ở rất nhiều tài liệu trên báo, trên mạng, tìm gặp các Lão Nông có nhiều kinh nghiệm để học tập, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình lao động sản xuất.

Nhờ đó, quy mô của HTX cũng ngày càng được mở rộng, đến thời điểm hiện tại HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 40 công nhân, với thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của HTX như chè Nàng Cúc, rượu ngô Mường Cúc, mật ong Tân Sơn, nho Hạ Đen Thu Cúc, gà Mông… được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế từ các mô hình đã xây dựng, các thành viên HTX đã thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới, bước đầu mang lại hiệu quả cao như trồng nho Hạ Đen, phối hợp với HTX Thịt chua Thanh Sơn cho ra đời sản phẩm Thịt chua Mường Cúc…

Còn tại xã Yên Tập huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), với quyết tâm làm giàu ngay trên vùng đất quê hương, sau khi tốt nghiệp đại học trở về, anh Hoàng Trung Thắng đã cùng với một số người dân trong xã thành lập HTX sản xuất thực phẩm nông nghiệp Thanh Lâm.

Thời điểm thành lập HTX chỉ có 14 thành viên với các ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nước lọc đóng chai, sản xuất rượu và chăn nuôi với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. Vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19, cùng với sự quyết tâm, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường,... Đến nay HTX do anh Thắng đứng đầu bình quân mỗi năm sản xuất được 624.000 chai nước lọc đóng chai, 15.000 lít rượu, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế bước đầu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Sản phẩm nước đóng chai của HTX sản xuất thực phẩm nông nghiệp Thanh Lâm.

Sản phẩm nước đóng chai của HTX sản xuất thực phẩm nông nghiệp Thanh Lâm.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục mô hình HTX do thanh niên làm chủ đang khẳng định sự thành công của mình ở Phú Thọ. Điều đáng nói, các mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mà còn tạo ra được các sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh, góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo đặc biệt là đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cần nhân rộng, lan tỏa để phát triển

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo động lực, nền tảng vững chắc, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, đã được nhiều HTX do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh phú thọ thực hiện rất tốt, đạt hiệu quả cao.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Phú Thọ có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, có 19 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, có 29 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt 8 tiêu chí. Bình quân đạt 16,15 tiêu chí/xã.

Đại điện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ đánh giá, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành tiêu chí số 13, nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX do thanh niên làm chủ giúp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Với vai trò đó, mô hình HTX do thanh niên làm chủ đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp sức cùng các địa phương hoàn thiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Theo đại diện ban thường vụ Tỉnh đoàn Phú Thọ, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về HTX, tăng cường phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển KTTT, mô hình HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ. Từ đó khơi dậy ý chí, tinh thần khởi nghiệp và nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của KT HTX trong phát triển kinh tế địa phương.

Cùng với đó, Tỉnh đoàn cũng sẽ tổ chức rà soát, hướng dẫn các chủ mô hình HTX thanh niên hoạt động bảo đảm theo các quy định của pháp luật, tăng cường củng cố hoạt động, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo các HTX có trình độ tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế hợp tác trong điều kiện hiện nay.

Đặc biệt sẽ nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ, từ đó các HTX có thể cùng nhau lan tỏa, tạo sự liên kết, hỗ trợ, phát triển và từng bước trở thành lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế.

Đông Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/xay-dung-nong-thon-moi-nhin-tu-mo-hinh-htx-do-thanh-nien-lam-chu-1089224.html