Xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, sản xuất nông nghiệp

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là các mô hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu áp dụng có hiệu quả và được nhân rộng qua từng năm.

Nông dân Tam Nông sử dụng máy bay không người lái trong phun xịt thuốc

Theo đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 10ha/8 hộ, được duy trì từ năm 2022 đến nay. Mô hình giúp giảm phân hóa học 40%, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa. Mô hình còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội việc làm, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Mô hình sản xuất nhãn hữu cơ thực hiện tại ấp An Hưng và ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành với quy mô 1ha/2 hộ, hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học đã giúp nông dân thay đổi nhận thức sâu sắc, chuyển đổi canh tác từ tập quán cũ sang kỹ thuật canh tác mới. Việc canh tác hữu cơ sẽ sử dụng nhiều công lao động giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn; không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm thải ra môi trường vỏ bao bì, chai lọ độc hại, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sống trong sạch cho cộng đồng.

Đối với mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tưới nước, bón phân, quản lý bệnh thán thư, tỉa cành, tạo tán, thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch trên xoài cát chu (Dự án GIC, phối hợp với Công ty TNHH Fresh Studio Innovation Asia) thực hiện tại ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh với diện tích 0,7ha, đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động giảm 3/4 chi phí lao động/ngày, giảm 3/4 thời gian tưới và giảm 2/3 lượng nước tưới. Ngoài ra, việc bón phân cân đối giảm khí phát thải nhà kính trong quá trình bón phân hóa học, quản lý bệnh thán thư hại xoài theo nguyên tắc “4 đúng”, tuân thủ thời gian cách ly, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ứng dụng mô hình sản xuất khoai môn theo hướng an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ tại xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò 20ha, với 29 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn quy trình kỹ thuật, quản lý sâu bệnh trên cây khoai môn, an toàn khi sử dụng thuốc và ghi chép nhật ký đồng ruộng. Kết thúc mô hình, nông dân được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và ứng dụng thiết bị bay trong phòng trị dịch hại tại xã Định Yên (huyện Lấp Vò) với quy mô 25ha và tại xã Long Hưng B là 27ha. Mô hình sử dụng thiết bị bay để phun thuốc giúp giảm công lao động, ít ảnh hưởng sức khỏe người nông dân, giảm lượng giống so với sản xuất đại trà, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giúp người nông dân nâng cao kỹ năng quan sát, quản lý đồng ruộng và giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận.

Ngoài ra, mô hình dữ liệu bản đồ nông sản thí điểm tại ấp Tân Hậu và Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh có 410 hộ dân tham gia với diện tích 158,53ha. Mô hình xây dựng bản đồ có địa chỉ nông dân giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; kết nối giữa người sản xuất với nhau, góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững. Mô hình bản đồ quản lý mã số vùng trồng, tổng quan sản xuất nông nghiệp trên địa bàn (ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; địa chỉ nông dân trong mỗi vùng trồng được gắn tọa độ GPS nhằm kết nối chỉ đường đến tận hộ nhà vườn, tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) của từng mã số vùng trồng để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, cũng như kết nối liên kết thu mua khi có nhu cầu...

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/khoa-hoc/xay-dung-nhieu-mo-hinh-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-phuc-vu-quan-ly-san-xuat-nong-nghiep-120551.aspx