Xây dựng mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo “Xây dựng mạng lưới công viên địa chất quốc gia và mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam”.

Đến dự hội thảo có ông Lê Hoài Trung, thứ trưởng bộ ngoại giao, chủ tịch UBQG UNESCO tại Việt Nam, thứ trường bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Linh Ngọc, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh đang chuẩn bị xây dựng và quan tâm tới mô hình công viên địa chất.

Hội thảo "Xây dựng mạng lưới công viên địa chất quốc gia và mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam" (ảnh Phàn Giào Họ)

Mặc dù ra đời muộn, nhưng công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) thừa hưởng và phát huy điểm mạnh, điểm yếu của các loại hình như: Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa...CVĐCTC chứa đựng và liên kết các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, cảnh quan đa dạng sinh học. Với mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, CVĐCTC đã đề ra mục tiêu rất rõ rệt là nâng cao mức sống của nhân dân vùng được quy hoạch.

Qua những kết quả đã đạt được cho thấy, công viên địa chất toàn cầu không đơn thuần là một sự thành công mà UNESCO đã đạt được, mà thực chất là mô hình phát triển thiên nhiên bền vững. Qua những con số biết nói, công viên địa chất toàn cầu đã và đang mang lại thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, góp phần giúp nước nhà ngày một đi lên.

Một góc công viên địa chất quốc gia, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ: “Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có duy nhất một CVĐCTC là Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Từ khi được quy hoạch và được UNESCO công nhận, CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh miền núi Hà Giang. Trong các cuộc gặp gỡ của mạng lưới CVĐCTC khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới, các cuộc họp của UNESCO về chủ đề CVĐCTC, mô hình phát triển xóa đói giảm nghèo thông qua kết quả thực tế của Hà Giang thường được nhắc tới nhiều”.

Với sự thành công của Hà Giang trong việc phát triển CVĐCTC, mô hình này đã thực sự gây chú ý cho nhiều tỉnh trong nước. Do đó, tại hội thảo, bài học của Hà Giang đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cũng trong bàn tranh luận, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp tổng thể, đề ra các giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển mô hình CVĐC Quốc gia và CVĐCTC ở một số tỉnh có tiềm năng tại Việt Nam.

Đặc biệt, tại hội nghị bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nguyện vọng của tỉnh là xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, hướng tới gia nhập mạng lưới CVĐCTC. Qua hội thảo ở tỉnh Hà Giang lần này, tỉnh Đắk Nông đã rút ra những bài học đáng quý để chuẩn bị cho dự án xây dựng công viên địa chất ở Tây Nguyên trong những năm tới.

Phàn Giào Họ

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-mo-hinh-quan-ly-cong-vien-dia-chat-tai-viet-nam-38867.html