Xây dựng không gian đọc sách mở trong các trường học

Cùng với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của thư viện trường học đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, thư viện vẫn chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm. Trước tình hình đó, công tác xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường phổ thông đang được các cấp, ngành quan tâm triển khai, thực hiện.

Trường tiểu học Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên xây dựng khuôn viên thư viện xanh thân thiện với môi trường, giúp các em học sinh yêu thích việc đọc sách. Ảnh: Trà Hương

Thư viện mới trong giai đoạn hiện nay và sắp tới được hiểu theo nghĩa mở rộng là không gian học tập chung của nhà trường, là trung tâm của kết nối đa chiều, từ kết nối cơ sở vật chất, không gian hạ tầng, nguồn học liệu đến kết nối các hoạt động của học sinh. Từ đó, phát huy các phẩm chất và năng lực, kết nối người đọc, cộng đồng - tạo môi trường nuôi dưỡng văn hóa thông qua việc kết nối giữa phụ huynh, cộng đồng và nhà trường bằng hoạt động.

Trong khi đó, thực trạng các thư viện trường học trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như không gian đọc sách chật hẹp; cơ sở vật chất, thiết bị chưa đồng bộ, nhiều nơi xuống cấp; nguồn học liệu, tài liệu, số lượng đầu sách chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng…

Theo thống kê của Sở GDĐT, đến năm học 2021-2022, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã có phòng thư viện, riêng khối THPT có một số trường có nhà thư viện. Mỗi năm, từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn khác, các thư viện trường học thường xuyên được bổ sung nguồn học liệu, tài liệu sách báo, trong đó khối tiểu học bổ sung khoảng 22.000 tài liệu/năm, khối THCS bổ sung khoảng 16.600 tài liệu/năm, khối THPT bổ sung khoảng 12.000 tài liệu/năm.

Tuy nhiên, hầu hết trường học của tỉnh đều được xây dựng từ lâu, khi quy mô học sinh còn ít, các tiêu chuẩn khoa học về cơ sở vật chất và bố trí các khối công trình chưa có quy định cụ thể, nên trong quá trình phát triển có hiện tượng cơi nới, chồng chéo trong xây dựng bổ sung, khiến không gian sân trường chưa thông thoáng, còn bị chia cắt, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí không gian đọc sách thân thiện ngoài trời (thư viện mở, thư viện xanh) cho học sinh.

Ngoài phòng thư viện, một số trường, lớp phát động học sinh đóng góp sách, xây dựng tủ sách để đọc chung tại mỗi lớp học trong giờ ra chơi, nhưng chủ yếu mới ở hình thức tự phát, thiếu sự đồng bộ, thiếu tính kết nối và liên thông với các hoạt động giáo dục.

Về công năng hoạt động, một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “kho” chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách chứ chưa thực sự là không gian đọc hấp dẫn với học sinh.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thư viện của học sinh, giáo viên rất lớn và tăng cao ở từng bậc học. Ở khối tiểu học, trung bình thư viện của mỗi trường được sử dụng 15 ngày/tháng với hơn 20.000 lượt mượn tính theo đầu sách; ở khối THCS, trung bình thư viện của mỗi trường được sử dụng 18 ngày/tháng với hơn 47.900 lượt mượn tính theo đầu sách; với khối THPT, trung bình thư viện của mỗi trường được sử dụng 22 ngày/tháng với hơn 7.500 lượt mượn tính theo đầu sách.

Trước nhu cầu đó, việc làm mới không gian thư viện truyền thống trong các nhà trường theo khái niệm thư viện mới (bao gồm không gian dành cho bạn đọc; không gian làm việc cho viên chức chuyên môn thư viện; không gian chứa kho sách, báo; không gian hành chính quản trị, nói chuyện chuyên đề; khuôn viên, vườn hoa cây cảnh trong thư viện) là rất cấp thiết, bởi không gian thư viện tạo được sự thoải mái, thân thiện, tiện lợi cho người đọc sẽ giúp tăng cường nhu cầu, hoạt động đọc, thu hút người đến đọc sách nhiều hơn, từ đó, làm thay đổi cách đọc sách, cách sử dụng thư viện của bạn đọc.

Thư viện Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường được bố trí khoa học tạo hứng thú cho học sinh. Ảnh: Trà Hương

Mô hình thư viện xanh tạo sự thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Những năm gần đây, ngày càng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoặc kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng thư viện xanh, thân thiện với học sinh.

Có thể kể tới những thư viện hấp dẫn nhiều học sinh tại các trường như tiểu học Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, THPT Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc…

Năm 2021, thực hiện Chương trình hành động của Bí thư Tỉnh ủy ngày 30/1/2020 về nội dung phát triển văn hóa đọc trong trường học, ngành Giáo dục các cấp đã đầu tư cải tạo thí điểm một số thư viện tại các trường THPT Nguyễn Thái Học, THCS Tô Hiệu, thành phố Vĩnh Yên; THPT Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên… được các nhà trường, giáo viên và học sinh đánh giá cao.

Cũng trong năm 2021, thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của UBND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã khảo sát, lựa chọn và trình UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho học sinh thí điểm ở 3 trường học các cấp với nguồn đầu tư xã hội hóa, đến nay, đã hoàn thành xong các thiết kế mẫu theo góp ý thẩm định của Sở Xây dựng để triển khai thực hiện.

Mới đây nhất, Sở GDĐT đã hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường phổ thông tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2024” trình UBND tỉnh phê duyệt.

Những chương trình, hoạt động kể trên cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành tới việc cải thiện môi trường đọc, xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện với học sinh.

Tin rằng trong thời gian tới, các đề án, kế hoạch xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện trong các nhà trường được triển khai, thực hiện sẽ góp phần nâng cấp hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới, mở rộng không gian đọc sách, tăng thêm chức năng hoạt động học tập cho học sinh, làm phong phú, tiện ích và hiện đại cho cảnh quan chung của nhà trường. Đồng thời, thúc đẩy phong trào, hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Thùy Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/76184/xay-dung-khong-gian-doc-sach-mo-trong-cac-truong-hoc.html