Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai hiệu quả ở địa phương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/5/2014, kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương được quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15. Trong giai đoạn 2016 -2020 các địa phương đã xây dựng và duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, tuy nhiên nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai không thống nhất. Theo thống kê báo cáo trong giai đoạn này có 56/63 tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch, tuy nhiên chỉ có 42/63 tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai 5 năm, còn lại xây dựng kế hoạch hằng năm. Rất ít tỉnh/thành phố có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai hàng năm và cả giai đoạn về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy cần xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương để các địa phương thống nhất thực hiện.

Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14. Tại mục c điểm 10 Điều 1 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương gồm 3 chương, 25 điều.

Bên cạnh quy định chung, dự thảo đã đề xuất cụ thể quy định về kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bao gồm nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai; đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng; hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai… Trong đó, xác định rõ nguồn lực và tiến độ hằng năm và 5 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai đối với kế hoạch cấp tỉnh; đối với cấp huyện, yêu cầu đề xuất nhu cầu về nguồn lực và tiến độ hằng năm và 5 năm để thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu trước ngày 30/6 hàng năm, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm của đơn vị, địa phương về cơ quan cấp trên để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Trước 31/12 hàng năm, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai trong năm của đơn vị, địa phương về cơ quan cấp trên để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Nội dung báo cáo cần nêu rõ tình hình thiên tai ở địa phương, ảnh hưởng thiên tai đến lĩnh vực quản lý của đơn vị, địa phươmg; công tác triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai theo kế hoạch; những thuận lợi, khó khăn bài học kinh nghiệm và những kiến nghị cần quan tâm, giải quyết.

Trước ngày 15/2 hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo kết quả thực hiện năm trước của kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/xay-dung-ke-hoach-phong-chong-thien-tai-hieu-qua-o-dia-phuong/414984.vgp