Xây dựng đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Những năm qua, đội ngũ luật sư (LS) và các tổ chức hành nghề LS trên địa bàn tỉnh Long An không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tích cực tham gia vào việc tư vấn, tuyên truyền pháp luật và quá trình tố tụng. Từ hoạt động hành nghề LS góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp (CCTP), cải cách hành chính, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự và phát triển KT-XH của tỉnh.

Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh - Mai Huỳnh Minh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có đóng góp trong thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh

Đội ngũ luật sư không ngừng tăng về số lượng và chất lượng

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh luôn quan tâm tăng cường chỉ đạo và định hướng phát triển các hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là hoạt động LS nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân, doanh nghiệp.

Thông tin từ Sở Tư pháp, qua 15 năm triển khai Luật LS, đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Thời điểm năm 2006, Đoàn LS tỉnh chỉ có 26 LS thành viên thì đến nay tăng lên 123 LS. Trong đó, 12 LS có trình độ thạc sĩ; 100% LS của Đoàn được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp theo quy định. Thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ LS đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh luôn quan tâm phát triển đội ngũ LS và chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tập sự hành nghề LS và gia nhập đoàn LS. Qua 15 năm phát triển, trên địa bàn tỉnh có 34 tổ chức hành nghề LS và 46 chi nhánh tổ chức hành nghề LS đang hoạt động.

Hoạt động hành nghề luật sư góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa

Bà Phan Thị Mỹ Dung khẳng định, hoạt động hành nghề của đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, khẳng định được vai trò trong bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng xã hội. Đồng thời, hoạt động hành nghề LS có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho việc thu hút đầu tư, kinh doanh và thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, các LS luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trong các vụ án xét xử, các LS đều tham gia tranh tụng, nâng chất lượng công tác xét xử. Bên cạnh đó, nhiều LS trong Đoàn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí và trợ giúp pháp lý. Hiện có 5 LS của đoàn ký hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến sâu, rộng trong cộng đồng dân cư.

Từng bước đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp

Thống kê của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, từ năm 2007 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh thụ lý gần 10.500 vụ án, qua đó, cấp thông báo đăng ký bào chữa cho 1.297 vụ án với 3.976 lượt LS tham gia bào chữa cho bị can và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có liên quan trong vụ án. Việc bảo đảm vai trò của LS tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án góp phần không nhỏ vào việc chứng minh sự thật khách quan, làm sáng tỏ tình tiết, hành vi, nội dung vụ án, hạn chế tối đa việc vi phạm tố tụng của điều tra viên, cán bộ điều tra trong quá trình điều tra vụ án cũng như bảo đảm cho hoạt động điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, sự tham gia của LS trong các phiên tòa góp phần bảo đảm tính công khai, công bằng, dân chủ, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, xóa đi định kiến “án tại hồ sơ”, đem lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh - LS Mai Huỳnh Minh cho biết: “Từ dự luật LS đầu tiên đến luật được sửa đổi, bổ sung và cho đến nay đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của hệ thống chính trị, khẳng định vai trò, vị trí và hoạt động của LS trong đời sống, xã hội. Với vai trò đã được khẳng định, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh CCTP, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đoàn LS tỉnh và đội ngũ LS thành viên tiếp tục phát triển đội ngũ LS có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của hoạt động tư pháp và là nhân tố quan trọng hỗ trợ các quan hệ kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay”.

Theo bà Phan Thị Mỹ Dung, với vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực LS, Sở sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt những quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng về CCTP, nhất là vai trò của đội ngũ LS trong tiến trình CCTP. Trong đó, Sở tiếp tục tăng cường phối hợp Đoàn LS tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về LS, hành nghề LS, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng LS và hoạt động hành nghề. “Đoàn LS và các thành viên cần tích cực hơn nữa trong tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, đội ngũ LS trong quá trình hoạt động hành nghề cần phát hiện, phản ánh những việc chưa đúng, chưa đủ hoặc những dấu hiệu nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhằm góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, Sở mong muốn Đoàn LS tỉnh và các LS thành viên tiếp tục tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế cũng như đóng góp, xây dựng chủ trương, chính sách của tỉnh, đưa nghị quyết vào cuộc sống và chương trình CCTP” - bà Phan Thị Mỹ Dung cho biết./.

Mặc dù đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, song đa phần các LS đang hành nghề là LS lớn tuổi, trước đây công tác tại các cơ quan pháp luật đã nghỉ hưu và thuộc diện miễn đào tạo LS. Do đó, trình độ ngoại ngữ, kiến thức pháp luật quốc tế còn hạn chế, khó khăn khi tham gia bảo vệ quyền lợi trong các vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp, công dân Việt Nam với nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, đội ngũ LS cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết những tranh chấp chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như yêu cầu công tác CCTP trong giai đoạn hiện nay.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-doi-ngu-luat-su-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-a155804.html