Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Những năm qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong cả nước diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) là vô cùng cần thiết, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả quản lý trang trại, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Người chăn nuôi xã Xuân Hòa (Như Xuân) chuẩn bị trang trại đáp ứng các điều kiện chăn nuôi ATDB trước khi tái đàn.

Tại Thanh Hóa, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB bắt đầu được thực hiện từ năm 2006, tuy nhiên, đến năm 2016, công tác xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB trên địa bàn tỉnh mới thực sự được đẩy mạnh. Theo đó, những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, ký cam kết chăn nuôi ATDB; thực hiện thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATDB cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch đánh giá đối với vùng, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận ATDB và đánh giá đột xuất khi cần thiết. Các cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận ATDB sẽ được xem xét cấp chứng nhận đạt Quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam (VietGAHP), được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Các hộ chăn nuôi tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi bảo đảm ATDB còn được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật Thú y. Hiện nay, tại các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích người dân thực hiện các điều kiện xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB.

Tại xã Xuân Hòa (Như Xuân), anh Lê Ngọc Tân với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà theo chuỗi cho biết: “Trang trại chăn nuôi gà của gia đình tôi quy mô khá lớn với 4 khu chuồng nuôi, công suất khoảng 20 nghìn con/lứa. Do thực hiện liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Happy Farm Thanh Hóa nên để đảm bảo thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết tôi luôn đặt việc phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu và áp dụng quy trình kiểm soát dịch bệnh “3 lớp”, đó là: Tiêm đầy đủ vắc-xin phòng dịch, vệ sinh chuồng trại định kỳ, bảo đảm thức ăn, nước uống sạch và kiểm soát nguồn gốc con giống. Vì thế đàn gà trong trang trại không chỉ an toàn đối với bệnh H5N1, H5N6 mà còn không bị mắc các loại bệnh khác”.

Đối với huyện Thạch Thành, công tác xây dựng vùng chăn nuôi ATDB đã và đang được chú trọng triển khai nhiều năm qua. Đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng 4 xã trọng điểm chăn nuôi gồm: Thạch Tượng, Thạch Lâm, Thành Tâm, Thành Minh là vùng ATDB đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, các xã đã và đang tích cực tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận ATDB. Bên cạnh đó, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh để xây dựng vùng ATDB như tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ... Thực hiện công tác giám sát lâm sàng, giám sát bệnh và giám sát tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng tại các cơ sở, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thạch Thành xây dựng vùng, cơ sở ATDB. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận vùng, cơ sở ATDB.

Hiện, toàn tỉnh có 104 cơ sở chăn nuôi ATDB tại các huyện có thế mạnh phát triển chăn nuôi như: Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân... và tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi ATDB dịch tả lợn châu Phi, vùng chăn nuôi ATDB dại trên chó, mèo tại huyện Thạch Thành và TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, so với thực tế phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở chăn nuôi ATDB còn hạn chế do một số nguyên nhân như các trang trại gần khu dân cư hoặc nằm trong khu dân cư làm ảnh hưởng việc theo dõi giám sát lưu hành vi khuẩn, vi-rút; hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, khó áp dụng các biện pháp về chăn nuôi ATDB. Hiện nay, phần lớn chỉ có các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chủ động đăng ký xây dựng cơ sở ATDB; các trang trại, gia trại quy mô nhỏ chưa thực sự quan tâm do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở ATDB chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm bình thường...

Để công tác xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB có hiệu quả, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB; hướng dẫn các hộ chăn nuôi về những quy định và cách thức đăng ký tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, xây dựng các khu trang trại tập trung, quy mô lớn; đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời, lựa chọn con giống có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng và tiêm vắc-xin đầy đủ.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-co-so-vung-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-214795.htm