Xây dựng chuỗi liên kết bền vững cho trái cây tươi

Thời gian qua, Đồng Nai tăng mạnh diện tích cây ăn trái. Đặc biệt, tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển diện tích của 2 loại cây ăn trái chủ lực đang đứng đầu danh mục xuất khẩu là chuối và sầu riêng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 3 từ phải sang) thăm vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại P.Xuân Lập, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 3 từ phải sang) thăm vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại P.Xuân Lập, TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, mặt hàng trái cây tươi mang tính mùa vụ, thời gian bảo quản tự nhiên ngắn nên rủi ro về thị trường cao. Tỉnh cần có chiến lược dài hạn phát triển ngành sản xuất trái cây tươi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững trên cơ sở minh bạch về nguồn gốc, chất lượng.

* Tăng trưởng nhanh, thiếu bền vững

Tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích cây ăn trái của Đồng Nai là 76.650ha, tăng hơn 3,2 ngàn ha so với năm trước, chiếm hơn 45% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh. Nông dân tập trung đầu tư vào một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như: xoài, bưởi, thanh long, chôm chôm…

Trong đó, với diện tích gần 14 ngàn ha, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối. Sầu riêng cũng là cây trồng chủ lực phát triển nhanh về diện tích trong thời gian gần đây. Với hơn 11,3 ngàn ha, Đồng Nai vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích sầu riêng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, Đồng Nai có nhiều lợi thế xây dựng, phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Để khắc phục những điểm yếu còn tồn tại, ngành Nông nghiệp cần xây dựng lại chiến lược phát triển, nhất là ưu tiên xây dựng sàn giao địch nông sản điện tử, đầu tư cho sơ chế, chế biến.

Tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh trồng các loại cây ăn trái chủ lực với quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và cho năng suất, chất lượng cao. Cây ăn trái vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao cả về diện tích và sản lượng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chuối đạt hơn 90,4 ngàn tấn, tăng hơn 16,6%; sầu riêng đạt gần 12,9 ngàn tấn, tăng hơn 15,3%; bưởi đạt gần 29,3 ngàn tấn, tăng 17,5%...

Trái sầu riêng đang lên ngôi trên thị trường xuất khẩu. Từ đầu vụ đến nay, giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao. Ngay cả thời điểm rộ vụ như hiện nay, sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu bán tại vườn vẫn ở mức từ 45-50 ngàn đồng/kg. Nhờ đó, vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng sầu riêng thu lợi nhuận từ 15-20 ngàn đồng/kg so với mọi năm. Theo Sở NN-PTNT, năm 2023, Đồng Nai xuất khẩu được khoảng 20 ngàn tấn sầu riêng, với giá trị mang lại khoảng 50 triệu USD.

Tuy nhiên, trái cây tươi mang tính mùa vụ, thời gian bảo quản tự nhiên ngắn nên rủi ro lớn. Đây cũng là nguyên nhân trái thanh long từng là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD nhưng từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nông dân trồng thanh long liên tục “kêu cứu” vì xuất khẩu khó khăn, nhất là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đua nhau chặt bỏ cây thanh long, chuyển sang trồng sầu riêng. Và rủi ro có thể sẽ xảy ra với cây sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác nếu không có chiến lược phát triển lâu dài và bền vững hơn.

* Xây dựng chuỗi liên kết bền vững

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X, đại biểu Phạm Ngọc Hà, Tổ đại biểu HĐND H.Tân Phú đặt vấn đề, Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra. Năm 2023, xuất khẩu trái cây tươi tăng trưởng tốt nhưng yêu cầu phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhất là đảm bảo về chất lượng. Đại biểu yêu cầu Sở NN-PTNT cho biết kết quả thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất tập trung nông sản sạch, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh thời gian qua như thế nào? Các giải pháp trong thời gian tới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản?

Trả lời ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho biết, tồn tại mang tính cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng là sản xuất còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Hiện chỉ khoảng 20% diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh sản xuất tập trung và nằm trong các chuỗi liên kết. Còn 80% vẫn sản xuất nhỏ lẻ và hệ lụy là các nhà vườn khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó kiểm soát được quy trình chất lượng và không chuyên nghiệp trong tiếp cận thị trường. Đầu ra của trái cây tươi chủ yếu dựa vào thương lái và tình trạng được mùa, mất giá chủ yếu tập trung ở khu vực này.

Vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Ở tầm vĩ mô, đòi hỏi nhiều chính sách đồng bộ. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, ngành trồng trọt của tỉnh đã hướng đến giải quyết các vấn đề về thị trường, tổ chức sản xuất tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống và thu nhập cho nhà nông.

Đông Nam bộ không có lợi thế về cây lương thực mà là cây ăn trái. Theo đó, Đồng Nai tập trung chuyển đổi sang các loại hình cây ăn trái có giá trị cao; chuyển hướng sản xuất tập trung để đủ sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu và có điều kiện để ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất.

Hiện ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với diện tích khoảng 19 ngàn ha. Khi có quy hoạch, các địa phương có điều kiện đầu tư hạ tầng như: điện, thủy lợi, giao thông cho các vùng sản xuất tập trung này và tạo điều kiện cho sản xuất bền vững hơn và cũng là điều kiện để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đồng Nai hiện có 144 chuỗi liên kết, 109 HTX, 529 tổ hợp tác. Các lực lượng này đã đóng vai trò rất quan trọng làm kênh dẫn, cầu nối từ người sản xuất đến tiêu thụ. Thời gian tới, Đồng Nai tập trung xây dựng, phát huy vai trò của các HTX, các chuỗi liên kết để cùng xây dựng ngành hàng, khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật mới giảm được giá thành, tăng được chất lượng cũng như kiểm soát được đầu ra khi tổ chức sản xuất rải vụ hạn chế sự phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG: Cần triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững

Đồng Nai đứng đầu cả nước về diện tích một số cây ăn trái; hình thành được nhiều chuỗi liên kết với diện tích được xây dựng mã số vùng trồng tương đối lớn. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết đã hình thành nhưng hoạt động chưa bền vững. Việc kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, đại biểu nhiều lần ghi nhận ý kiến về tình trạng được mùa mất giá. Đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, trọng tâm hơn cho ngành Nông nghiệp, các địa phương triển khai các nhóm giải pháp của ngành để giảm thiệt hại cho nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh CAO TIẾN SỸ: Đẩy nhanh chuyển đổi số để thị trường nông sản minh bạch, thông suốt

Muốn sản xuất và bán được hàng phải có thông tin thị trường. Nhưng đối với ngành Nông nghiệp, thông tin thị trường hiện chỉ dừng lại ở con số thống kê, chưa đáp ứng kịp thời đối với thị trường nông sản lên xuống hàng ngày. Thị trường nông sản còn tù mù nên chưa tạo sự thông suốt trong lưu thông hàng hóa nông sản.

Để giải quyết vướng mắc này phải gắn với việc thực hiện chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp. Bộ NN-PTNT đang thực hiện việc này, cập nhật thông tin nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ, từ đó sẽ có công cụ tốt hơn giúp thị trường nông sản minh bạch hơn, thông suốt hơn.

Lê Quyên (ghi)

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202307/xay-dung-chuoi-lien-ket-ben-vung-cho-trai-cay-tuoi-3171866/